Xét nghiệm mới kiểm soát ung thư phổi và đại trực tràng

12:53, 22/01/2013
|

(VnMedia) - Kỹ thuật xét nghiệm xác định đột biến EGFR và KRAS (với thiết bị cobas®) đã giúp thầy thuốc có thông tin chính xác để  quyết định hướng điều trị trúng đích cho các bệnh nhân ung thư phổi và ung thư đại trực tràng.

Hai kỹ thuật trên vừa được giới thiệu tại Hội thảo khoa học "Liệu pháp nhắm trúng đích trong ung thư: Giải pháp mới", do Roche Diagnostics Việt Nam, Hội Ung thư Việt Nam, Bệnh viện Ung Bướu, Sở Y tế TPHCM và Bệnh viên Bạch Mai phối hợp tổ chức.

PGS. TS. BS. Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Ung thư phổi và ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới và ở Việt Nam. Hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư phổi. Trong đó có kỹ thuật xét nghiệm xác định đột biến EGFR và KRAS (với thiết bị cobas®) đã  giúp thầy thuốc có thông tin chính xác để quyết định hướng điều trị trúng đích cho từng nhóm bệnh nhân. Vì vậy đã mang lại hiệu quả điều trị tốt cho người bệnh”.

Ảnh minh họa


Hội thảo đã thu hút gần 300 bác sỹ chuyên khoa ung bướu, giải phẫu bệnh, quản lý và chuyên viên phòng xét nghiệm trên toàn quốc tham dự


Hiện ung thư phổi là ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân hàng đầu của các ca tử vong có liên quan đến ung thư trên toàn thế giới. Ung thư phổi không tế bào nhỏ là dạng phổ biến nhất và chiếm khoảng 85% tổng số ca bệnh. Tiên lượng đối với bệnh nhân ung thư phổi không phải tế bào nhỏ rất kém với tỷ lệ sống sót 5 năm chỉ 15%.

Không phải mọi bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ đều như nhau. Khoảng 10 - 30% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến EGFR. Những bệnh nhân này hầu như đáp ứng tốt với phương pháp điều trị nhắm trúng đích bằng chất ức chế tyrosine kinase (TKI). Xét nghiệm cobas® Đột biến EGFR là một chẩn đoán để xác định bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến EGFR, khi đó có thể được điều trị với TKI.

Với phương pháp điều trị như vậy, số bệnh nhân có khối u nhỏ lại tăng gấp hai - ba lần, đồng thời kéo dài gần gấp đôi thời gian sống của bệnh nhân mà bệnh không tiến triển thêm so với phương pháp hóa trị liệu thông thường.

Khoảng 60% khối u không có đột biến KRAS, và  còn được gọi là KRAS thể hoang dại (thể tự nhiện, hay “wild type”). Bệnh nhân ung thư đại trực tràng với KRAS thể hoang dại, cũng có thể được điều trị tốt bằng phương pháp kháng thể đơn dòng kháng EGFR. Xét nghiệm cobas® đột biến KRAS giúp phát hiện đột biến trong gien KRAS của tế bào ung thư đại trực tràng, giúp các bác sĩ lâm sàng chọn lựa liệu pháp thích hợp nhất cho bệnh nhân.

Ông Rod Ward, Tổng giám đốc, Roche Diagnostics Việt Nam cho biết, hai xét nghiệm trên đã chứng minh được thế mạnh của Roche trong việc hỗ trợ tiếp cận với các phương pháp cá nhân hóa điều trị, cho phép bệnh nhân phục hồi một cách hiệu quả. Roche cam kết tiếp tục mang đến Việt Nam các giải pháp chẩn đoán tiên tiến, nhằm mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bệnh nhân Việt Nam.


Thuỳ Hoa

Ý kiến bạn đọc