Sự thật hàng trăm học sinh bị ép lấy máu

12:54, 08/01/2013
|

Gần đây, có dư luận phản ánh, hàng trăm học sinh trường THCS Châu Tiến và THCS Châu Hồng (huyện miền núi Qùy Hợp, Nghệ An) “bị lấy máu” bất ngờ, gây hoang mang vùng núi hẻo lánh này.

Xôn xao dư luận

Thông tin gây xôn xao dư luận trong những ngày qua rằng ngày 20/12, Ban giám hiệu Trường THCS Châu Tiến và Châu Hồng (thuộc huyện Qùy Hợp) “thừa lệnh” của Chủ tịch UBND xã và Trạm y tế hai xã nói trên, cho đoàn y, bác sỹ của Trường ĐH Y khoa Vinh (Nghệ An) lấy máu học sinh mà không giải thích lý do. Cô giáo ở đây còn dọa, nếu em nào không cho lấy phải nộp 50 ngàn đồng và hạ loại hạnh kiểm.

Dư luận còn cho rằng, trước khi lấy máu, các em đều được cân trọng lượng, em nào khỏe thì rút hai cánh tay, em nào yếu thì rút máu từ một cánh tay. Nhiều em bị ngất ngay khi lấy máu và được chuyển đến trạm y tế xã cấp cứu. Hết kim tiêm nên cả nhóm hàng chục em đều dùng chung một cái. Lấy máu ra, sau đó được bơm vào cái bao như bàn tay, rồi nhiều bàn tay góp lại đầy xô, đầy xô này, họ mang lên xe cất, tiếp tục lấy xô khác…

Thiếu sót trong tuyên truyền

Để tìm hiểu thực hư câu chuyện trên, sáng 6/1, phóng viên có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng trường ĐH Y Khoa Vinh thì được biết, UBND tỉnh Nghệ An giao cho Trường Đại học Y khoa Vinh nghiên cứu đề tài khoa học “Hậu quả của hôn nhân cận huyết thống”. Đề tài này do Tiến sỹ Nguyễn Cảnh Phú, Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Khoa Vinh làm chủ nhiệm.

Trường ĐH Y khoa Vinh đã tổ chức 2 đoàn lấy 1.250 mẫu máu để phục vụ đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh Thalassemia và một số yếu tố liên quan ở trẻ em dân tộc Thái và Mông ở Nghệ An”.

Sau khi đoàn thứ nhất đi tiền trạm về, ngày 20/12/2012 đoàn thứ hai gồm 10 cán bộ, kỹ thuật viên đã về xã Châu Hồng lấy mẫu máu 213 học sinh. “Sau khi được UBND tỉnh giao thực hiện đề tài, chúng tôi đã làm đúng các bước theo quy định.

Quy trình lấy máu, bảo quản, vận chuyển máu được thực hiện theo trình tự nghiêm ngặt. Mỗi học sinh chúng tôi chỉ lấy 2ml tại tĩnh mạch cánh tay để xét nghiệm chứ không có chuyện lấy từng bịch lớn rồi đựng trong những xô như thông tin bài báo nêu. Một kim tiêm dùng để lấy máu của 4 cháu lại càng không đúng”, Tiến sỹ Tài khẳng định.

Tiến sỹ Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng trường ĐH Y Khoa Vinh thừa nhận có “thiếu sót” về tuyên truyền, vận động cho học sinh, phụ huynh trong việc tổ chức lấy máu của hơn 200 học sinh trường THCS Châu Hồng và Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) khiến một số học sinh, phụ huynh hoang mang, phản ứng.

“Do đoàn công tác lấy mẫu máu trên diện rộng tại nhiều trường trong nhiều xã của huyện nên đoàn tiền trạm chỉ báo cáo với UBND huyện, Phòng GD-ĐT, phòng y tế huyện, trạm y tế xã Châu Hồng và hiệu trưởng hai trường trên chứ không trực tiếp vận động, tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh biết ý nghĩa của việc lấy mẫu máu để thực hiện đề tài khoa học.

Nghĩ rằng các cơ quan được tiền trạm đã làm chu đáo công tác tuyên truyền nên khi đoàn bác sĩ và kỹ thuật viên đến trường là thực hiện đồng loạt việc lấy mẫu máu ngay”, Tiến sỹ Tài nói.

Ảnh minh họa

Học sinh trường THCS Hồng Tiến.


Được biết, ngày 24/12/2011, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định số 5697/QĐ - UBND về phê duyệt danh mục 38 đề tài, dự án khoa học - công nghệ cấp tỉnh năm 2012 thuộc nhiều lĩnh vực. Trong đó có đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh Thalassemia và một số yếu tố liên quan ở trẻ em dân tộc Thái và Mông ở Nghệ An".

Nội dung của đề tài là: Điều tra dịch tễ học về tỷ lệ bệnh Thalassemia, điều tra khả năng đáp ứng điều trị bệnh Thalassemia của các cơ sở y tế so với nhu cầu điều trị bệnh của người dân. Đề tài được chuyển giao kỹ thuật phát hiện, chuẩn đoán và điều trị bệnh Thalassemia cho trường ĐH Y Khoa Vinh.

Tiến sỹ Nguyễn Cảnh Phú - Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Khoa Vinh, chủ nhiệm đề tài trên cho biết: “Đề tài này rất có ý nghĩa vì rất nhiều các cháu ở vùng cao Nghệ An mắc bệnh Thalassemia di truyền - bệnh thiếu máu do tan huyết bẩm sinh. Bệnh này vô cùng nguy hiểm, làm suy thoái giống nòi.

Nguyên nhân của bệnh là do hôn nhân cận huyết. Vì việc xét nghiệm máu là vô cùng có ý nghĩa để xác định có bệnh hay không, nên các kỹ thuật viên được tập huấn kỹ càng, trang thiết bị được trang bị hiện đại. Trước đây nước ta chưa xét nghiệm được mẫu này, bây giờ ở Bệnh viện Nhi Trung ương đã làm được”.

Tiến sỹ Phú cho biết thêm: “Chúng tôi gửi đi 1200 mẫu máu thu được để xét nghiệm thì đã xác định hơn 100 cháu mắc căn bệnh nguy hiểm này, tỷ lệ rất cao, gần 10%.

Tôi nghĩ, sau khi đề tài được công bố thì rất nhiều người, rất nhiều cơ quan phải quan ngại về căn bệnh Thalassemia di tuyền do hôn nhân cận huyết tại các dân tộc vùng cao. Sau khi có kết quả chúng tôi sẽ gửi về nhà trường, địa phương cũng như có biện pháp tuyên truyền để hạn chế tình trạng này”.


(Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc