(VnMedia) - I-ốt có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển cơ thể con người, là vi chất để tuyến giáp tổng hợp các hormon điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da, tóc, móng,..;. duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động. Tùy theo tuổi tác, nhu cầu i-ốt của cơ thể khác nhau. Thiếu và thừa i-ốt đều có hại cho sức khỏe.
Nhiều gia đình dùng muối i-ốt không đủ chuẩn
Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Khám - chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết bổ sung i-ốt vào muối ăn hằng ngày được coi là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, đơn giản nhất và chi phí thấp nhất. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Việt Nam đang nằm trong khu vực có tình trạng thiếu i-ốt, độ bao phủ muối i-ốt đạt tiêu chuẩn phòng bệnh chỉ còn dưới 70%.
Gần đây, tại nhiều cơ sở khám - chữa bệnh, các bệnh lý rối loạn nội tiết do thiếu i-ốt đã xuất hiện nhiều hơn, nếu không được quan tâm giải quyết kịp thời, nguy cơ rối loạn i-ốt ở nước ta sẽ tái diễn như thời điểm trước năm 2005.
Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế Thế giới thì thiếu i-ốt vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn khoảng 1,6 triệu người trên thế giới, đặc biệt là trẻ em ở các nước phát triển. Tỷ lệ bướu cổ toàn cầu ước tỉnh khoảng 12%, tương đương 655 triệu người, trong đó số người mắc ở Châu Âu nhiều nhất, vùng Đông Nam Á có khoảng 175 triệu người, chiếm 26,7% số người bị bướu cổ trên thế giới.
Tình trạng thiếu i-ốt
Trẻ em và phụ nữ mang thai là những đối tượng rất dễ bị thiếu iốt do nhu cầu tăng cao. Thiếu i-ốt ở thai phụ dễ xảy ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non; nếu thiếu i-ốt nặng trong giai đoạn mang thai thì trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác. Thiếu i-ốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng,... Ngoài ra, thiếu i-ốt còn gây ra bệnh bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động.
Thiếu i-ốt không chỉ gây nên bướu cổ mà còn gây ra một loạt các tổn thương của hệ thống thần kinh trẻ em, ảnh hưởng sự phát triển não bộ của trẻ, cho nên người ta thường gọi chung là các rối loạn do thiếu i-ốt.
Theo điều tra của UNICEF phối hợp với Tổng Cục thống kê thực hiện năm 2011, do nguồn lực còn hạn chế nên tỉ lệ sử dụng muối i-ốt cho đến nay chỉ còn khoảng 45%. So với yêu cầu đặt ra của Tổ chức Y tế thế giới là độ phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh phải đạt trên 90% mới coi là thanh toán được rối loạn do thiếu i-ốt, như vậy Việt Nam không đạt. Theo khuyến cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, vì sức khỏe, hạnh phúc của gia đình, mọi người hãy sử dụng muối i-ốt.
Thừa i-ốt
Theo kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới, nhu cầu i-ốt đối với con người đã được xác định: đối với trẻ dưới 10 tuổi: từ 40 - 120 mcg/ngày; đối với trẻ trên 10 tuổi và người trưởng thành: 150 mcg/ngày; đối với phụ nữ có thai và cho con bú: từ 180 - 200 mcg/ngày. I-ốt sẽ theo nguồn thức ăn vào ruột, hấp thu vào máu.
Nếu lượng i-ốt được cung cấp quá nhiều do cung nhiều hơn cầu hoặc uống thuốc chứa i-ốt thường xuyên,... sẽ gây nên hội chứng cường giáp hay gặp nhất là bệnh bướu tim, u tuyến độc giáp, viêm tuyến giáp,...
Biện pháp phòng ngừa
I-ốt có trong một số thực phẩm như: trứng, sữa, các loại động vật vỏ cứng ở biển,... Bên cạnh đó, để phòng các rối loạn do thiếu hụt i-ốt dễ dàng nhất là sử dụng muối i-ốt hàng ngày trong khi chế biến hầu hết các loại thức ăn. Dùng muối iốt thường xuyên hàng ngày không ảnh hưởng đến sức khỏe vì lượng iốt dư sẽ được thải ra ngoài theo nước tiểu.
Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người chỉ cần dùng một thìa cà phê i-ốt nhưng nó phải được đưa vào cơ thể hằng ngày với lượng tối đa là 200mcg. Vì vậy, việc sử dụng mỗi ngày từ 5- 10g muối iốt có chứa 200- 400mcg iốt (tương đương 0,2- 0,4mg) là hoàn toàn an toàn cho tất cả mọi người. Dùng muối iốt là một biện pháp đơn giản và có hiệu quả để phòng, chống được các bệnh do thiếu iốt gây ra.
Theo đó, người dân khi mua muối i-ốt cần chọn loại có đầy đủ nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ. Để kiểm tra xem có i-ốt trong muối hay không chỉ cần dùng giấy quỳ nhúng vào dung dịch muối hòa tan, nếu thấy đổi sang màu xanh là trong muối có i-ốt. Đặc biệt, mọi người cần biết rằng tất cả các loại hạt nêm không thể thay thế được muối i-ốt.
Biểu hiện phổ biến khi cơ thể thiếu i-ốt:
Bướu cổ: Nếu không có đủ lượng i-ốt cần thiết, cơ thể sẽ xuất hiện biểu hiện rõ rệt nhất là bướu cổ. Bướu cổ có thể phát triển thành cục u ở vùng cổ, gây cảm giác nghẹt thở, khó nuốt, khó thở, đặc biệt là khi nằm xuống. Mặc dù bướu cổ có thể còn do những nguyên nhân khác nhưng lý do thiếu hụt i-ốt thường gặp nhiều hơn cả.
Suy tuyến giáp: Mặc dù không phổ biến như bướu cổ, suy giáp là một trong các triệu chứng thiếu hụt i-ốt phổ biến nhất trên toàn thế giới. Khi bị suy giáp, quá trình của cơ thể bắt đầu chậm lại, gây ra cảm giác mệt, lạnh, táo bón. Hay quên và mệt mỏi, không tự nhiên cũng có thể liên quan đến các vấn đề lthiếu iốt.
Ngoài ra, triệu chứng thiếu hụt iốt có thể đặc biệt nghiêm trọng ở phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ. Những vấn đề về tuyến giáp trong những thời điểm quan trọng của thai kì có thể dẫn đến thai chết lưu, sẩy thai, hoặc trẻ sinh ra với dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Suy giáp bẩm sinh do thiếu i-ốt trong thời kỳ mang thai là một trong những ảnh hưởng có thể ngăn ngừa để tránh dị tật bẩm sinh phổ biến nhất trên thế giới.
Ý kiến bạn đọc