(VnMedia) - Ông Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, vắcxin 5 trong 1 Quinvaxem được Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ, với tổng trị giá khoảng 38,5 triệu USD, nhưng bằng vắcxin chứ không phải bằng tiền, do vậy không thể chi thêm ngân sách để mua vắc xin tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, vắcxin 5 trog 1 Quinvaxem được Liên minh toàn cầu về vawcsxin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ từ tháng 6/2010 đến hết 2015 với nguồn tài chính khoảng 38,5 triệu USD.
Hiện Việt Nam đã nhập về khoảng 15 triệu liều và đã dùng hết 11 triệu liều. Nếu tỷ lệ tai biến cho phép khi tiêm vắcxin của Tổ chức Y tế thế giới là 1/1 triệu liều thì với 4,5 triệu liều mỗi năm, tai biến sau tiêm vắcxin Quinvaxem chỉ là 1 tử vong và 4 phản ứng nặng. Tuy nhiên, con số tai biến trong 1 tháng qua đã lên tới 7 ca, trong đó 4 ca tử vong.
Được biết, GAVI viện trợ bằng vắc xin Quinvaxem chứ không phải tiền mặt. Do vậy, không thể bổ sung ngân sách Nhà nước cùng với nguồn viện trợ để có thể mua một loại vắc xin thế hệ mới có độ vắc xin "5 trong 1" Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất.
Vắcxin này hiện đang sử dụng ở 90 quốc gia. Tuy nhiên, Hàn Quốc là nước sản xuất Quinvaxem đã không sử dụng vắc xin này, vì các chuyên gia cho rằng nó có chứa thành phần ho gà vắc xin toàn tế bào (dùng xác vi khuẩn ho gà) dễ gây phản ứng cho cơ địa trẻ. Nhà sản xuất cũng cảnh báo về điều nay, và lưu ý cân nhắc ký trước khi tiêm.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tiêm chủng cho rằng, việc tìm một nguồn vắc xin khác thay thế trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam là vô cùng khó khăn, bởi giá vắc xin Quinvaxem là 77.000 đồng/liều, trong khi các vắc xin “5 trong 1” tương tự nhưng có thành phần ho gà vô bào, tinh khiết hơn có giá bán lẻ lên đến 550.000 đồng/liều.
Việc ngừng tiêm vắc xin này cũng rất khó khăn vì có thể làm “vỡ” hệ thống tiêm chủng mở rộng đã ổn định. Còn việc từ chối nhận viện trợ bằng vắc xin thì trong tương lai có thể sẽ khó khăn trong việc tiếp tục nhận nguồn viện trợ từ tổ chức này”.
Được biết, phương án tìm nguồn vắc xin thay thế đã được cơ quan quản lý tính đến trong trường hợp vắc xin Quinvaxem có vấn đề. Tuy nhiên, việc tìm một loại vắc xin có giá tương đương trong thời điểm này là vô cùng khó khăn. Điều này có nghĩa là các bậc cha mẹ vẫn phải đánh cược tính mạng của con em họ trước những rủi ro có thể gặp phải sau tiêm vắcxin.
Mời chuyên gia điều tra độc lập điều tra nguyên nhân tử vong
Chiều 11/1, tại buổi giao ban với lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đã đề nghị Tổ chức Y tế thế giới kiểm tra tính an toàn của vắc xin Quinvaxem. Bộ cũng sẽ xem xét việc mời chuyên gia độc lập điều tra về nguyên nhân các ca tử vong sau tiêm.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thống kê chung với 13 triệu liều đã được tiêm tại Việt Nam từ tháng 6.2012, tỷ lệ tử vong là 0,17/triệu liều, tỷ lệ phản ứng nặng: 0,69/triệu liều, tương tự mức khuyến cáo. Nhưng chỉ riêng trong một tháng qua đã có 5 ca tử vong là cao hơn so với khuyến cáo chung, vì vậy Bộ Y tế đã tạm ngưng sử dụng các lô vắc xin có trẻ tiêm bị tai biến nặng sau tiêm. Đó là các lô vắc xin Quinvaxem cung cấp cho Nghệ An (số lô 37), Hà Nội (số lô 77), Kiên Giang và Bình Định (số lô 75).
TS Nguyễn Nhật Cảm, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, cho biết vắc xin nào cũng phải tuân thủ đúng quy trình: theo dõi tại chỗ 30 phút, về nhà tiếp tục trong vòng 24 giờ đầu. Các phản ứng sớm sau tiêm thường nhanh, mạnh, nguy hiểm là phản ứng sốc. Phản ứng liên quan đến Quinvaxem cần lưu ý: khóc thét, co giật tím tái, khó thở, có cơn ngưng thở, sốt cao. Ngoài ra, các gia đình cũng cần lưu ý theo dõi phản ứng chậm sau tiêm. Bất cứ biểu hiện bất thường nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm nhất.
Sàng lọc chặt chẽ trước khi tiêm
Cục Y tế dự phòng cũng nhấn mạnh: Khi sử dụng vắc xin có thể xảy ra phản ứng do những nguyên nhân khác nhau. Việc xuất hiện một số trường hợp phản ứng sau khi tiêm chủng trong thời gian gần đây là đáng quan tâm. Tuy nhiên việc tiêm chủng cho trẻ em là cần thiết để bảo vệ cho trẻ em, gia đình và cộng đồng, chủ động phòng bệnh.
Để hạn chế các phản ứng sau tiêm vắc-xin, PGS-TS Trịnh Quân Huấn, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng vấn đề hiện nay là sàng lọc chặt chẽ trước tiêm và đặc biệt là theo dõi phản ứng sau tiêm, lưu ý với các phản ứng chậm vì có trẻ tử vong 96 giờ sau tiêm vắc-xin. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục yêu cầu kiểm định lại chất lượng các lô vắc-xin Quinvaxem liên quan đến các ca tai biến. Với các lô chưa ghi nhận các ca phản ứng nặng cũng sẽ được kiểm định thêm về chất lượng.
Ý kiến bạn đọc