Chỉ có 30% bà mẹ biết cho con bú đúng cách

07:03, 23/01/2013
|

(VnMedia) - Theo nghiên cứu của Viện Gia đình và Giới (IFGS), tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em được bú mẹ ngay sau khi sinh chưa được 50% do ảnh hưởng của phong tục tập quán, sự tích lũy kiến thức của bà mẹ, và hình thức sinh con...

Chỉ có khoảng 20% trẻ em còn bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi do yêu cầu thời gian và hoàn cảnh làm việc của bà mẹ, đặc biệt ngay cả khi cho con bú chỉ có  30% bà mẹ biết cho con bú đúng cách.

GS Nguyễn Công Khanh – Chủ tịch Hội nhi khoa VN lấy ví dụ: Nhiều bà mẹ cho con bú dở dang 1 bên bầu sữa, rồi lại chuyển sang bên kia. Trong khi đó, họ lại nên cho con bú trọn vẹn hết 1 bầu sữa, rồi mới chuyển. Bởi sữa đầu và cuối có chất lượng khác nhau, sữa cuối rất giàu chất béo, nhiều dinh dưỡng, rất tốt cho trẻ.

Ngoài ra, khẩu phần ăn bổ sung của trẻ từ 7 đến 24 tháng chưa đảm bảo sự đa dạng các loại thực phẩm và tính cân đối trong khẩu phần thức ăn. Tỷ lệ sữa nói chung và thực phẩm đúng tiêu chuẩn về dinh dưỡng bổ sung nhìn chung còn thấp ở một số nhóm bà mẹ.


Theo báo cáo về tình hình dinh dưỡng Việt Nam năm 2009-2010 của Viện Dinh dưỡng-UNICEF cũng đã cảnh báo, chỉ có 51,7% trẻ em Việt Nam dưới 24 tháng tuổi được nuôi dưỡng bằng các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về chất lượng.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết, cần phải chú trọng hơn đến việc cho trẻ ăn bổ sung an toàn và đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là trong giai đoạn trẻ từ 7 đến 36 tháng tuổi vì đây là giai đoạn có tỷ lệ suy dinh dưỡng, thiếu dinh dưỡng cao nhất.

Bà Phạm Thị Thoa, Ủy viên Ban chấp hành, Phó Trưởng ban Gia đình-Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng cho rằng, cần phải có chính sách tiếp tục khuyến khích nuôi trẻ bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi.

Theo báo cáo năm 2012 của Viện Dinh dưỡng, trong thập kỷ qua Việt Nam đã thành công trong việc cải thiện tình trạng trẻ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 33,8% năm 2000 xuống còn 16,8% vào năm 2010; tỷ lệ còi cọc giảm từ 36,5% năm 2000 xuống còn 27,5% năm 2010.

Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030 đã xác định mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi xuống còn 15% (năm 2015), dưới 12,5% (năm 2020); giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống còn 26% (năm 2015) và 23% (năm 2020).


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc