(VnMedia) - Cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá.
Để nội luật hóa và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng chống thuốc lá (PCTH) nhằm ngăn ngừa những tổn thất do sử dụng thuốc lá gây ra, ngày 16/8/2012 Quốc hội đã thông qua Luật PCTH thuốc lá. Và Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5/2013.
Luật đã quy định các biện pháp nhằm giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát nhằm giảm nguồn cung cấp các sản phẩm thuốc lá nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do sử dụng thuốc lá. Một trong những nội dung quan trọng trong các biện pháp về giảm cầu sử dụng thuốc lá là biện pháp in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên bao bì sản phẩm thuốc lá.
Về nội dung trên, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá quy định: Thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá. Nội dung cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá phải mô tả cụ thể tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe và thông điệp thích hợp khác, phải được thay đổi theo định kỳ 02 năm một lần. Cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá.
Hình ảnh trực quan về tác hại của thuốc lá in trên vỏ bao thuốc (Ảnh minh họa) |
Quy định này đã thể hiện sự cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá. Đây cũng là một chính sách được đa số người dân ủng hộ, bởi có tới một nửa số người hút thuốc sẽ bị chết vì những căn bệnh liên quan đến thuốc lá và một nửa trong số đó sẽ chết sớm. Tuy vậy trên vỏ bao thuốc ở ở Việt Nam chỉ có rất ít hoặc không có thông tin rõ ràng để cảnh báo người tiêu dùng về những nguy cơ đó. Phần lớn người tiêu dùng chỉ nhận thức chung chung rằng thuốc lá có hại cho sức khỏe mà không nhận thức rõ ràng các bệnh tật do sử dụng thuốc lá.
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc cao nhất trên thế giới. Theo Điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi), tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc là 47,4%. Việt Nam hiện có 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc.
Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030
Khói thuốc lá cũng được xác định là nguyên nhân gây bệnh ở những người không hút thuốc. Khói thuốc lá đặc biệt ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người không hút thuốc lá như phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi. Người hít phải khói thuốc thụ động một cách thường xuyên có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn từ 30 - 100% so với những người không hít phải khói thuốc (Surgeon Deneral’s Repor, 1986).
Những người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc thường là vợ, con (chồng) của người hút thuốc, do họ sống trong cùng một nhà với người hút thuốc. Đồng thời, số lượng đáng kể những người không hút thuốc cùng làm việc với người hút thuốc, hoặc trong những môi trường khói thuốc, là những người có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của khói thuốc.
Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp này không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế khổng lồ do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Năm 2007, người dân Việt Nam đã chi 14.000 tỷ đồng cho hút thuốc lá. Ở những hộ nghèo, khoản tiền mua thuốc thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế hay cho giáo dục. Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, số tiền khám chữa mới chỉ cho 3 bệnh trong số 25 căn bệnh do thuốc lá gây ra là 2.304 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, Văn phòng Phòng chống tác hại thuốc lá (VINACOSH) của Bộ Y Tế đang soạn thảo “Thông tư liên tịch Quy định việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe đối với thuốc lá” để trình chính phủ phê duyệt trước khi Luật phòng chống thuốc lá có hiệu lực.
Ý kiến bạn đọc