Tiền có gây bệnh không? Nhắm mắt ai cũng có thể trả lời là có! Đầu năm, nhiều hoạt động liên quan đến đồng tiền, bàn một chút về những kiểu đổ bệnh vì tiền.
Từ siêu vi đến cột sống
Đầu tiên, tiền, nhất là tiền giấy, ai cũng biết, là bản doanh đủ mặt "giang hồ hiểm ác" trong giới vi và siêu vi trùng gây bệnh, từ anh E.Coli ăn bẩn đến mấy tay bặm trợn viêm gan siêu vi, lỵ trực trùng…
Không khó vẽ lộ trình sởn tóc gáy của một tờ tiền từ tay "vật chủ" (cỡ lao kháng thuốc, AIDS giai đoạn cuối) đến từng chặng qua tay nam phụ lão ấu. Tiền bẩn, vậy hóa ra người có nhiều tiền là đối tượng nguy cơ cao. Người nhiều tiền hay đếm tiền, thêm động tác thấm nước bọt nữa thì vi trùng càng được lời như cởi tấm lòng. Ngày nay nhờ có máy đếm tiền nên có đỡ hơn.
Tiền bẩn nhưng chẳng ai nghĩ cách rửa tiền. Ngành ngân hàng chẳng biết có bao giờ chịu hợp tác với ngành vệ sinh dịch tễ để khử trùng kho tiền giúp dân? Chỉ còn cách rửa tay, nhưng cũng chẳng mấy khả thi. Cầm tờ năm trăm ngàn đồng đi rửa tay cũng bõ, còn được tiếng... "trọng nghĩa khinh tài", dăm tờ tiền lẻ chẳng lẽ mỗi lúc mỗi rửa?
Người ta còn nghi ngờ tiền góp phần gây bệnh cột sống. Các đấng mày râu hay cho bóp tiền vào túi quần sau, khi ngồi xe máy, ghế văn phòng, cặp mông bị lệch cao trình, lâu ngày sinh vẹo cột sống. Bóp càng dày, ông chủ càng có nguy cơ đau lưng.
Lạnh như tiền, khổ thân, với khoản tiếp tay bệnh tật, tiền cũng lạnh không kém thế thái.
Điên và vô cảm
Kinh tế khó khăn, đại gia vỡ nợ "xin cái hẹn" với bác sĩ thần kinh rần rần, lắm vị còn phải khăn gói nhập viện. Thiên hạ đảo điên để có tiền, đến khi hết tiền thì điên thật. Có vị chủ tịch hội đồng quản trị của vài ba tập đoàn, râu tóc bơ phờ than "ước trở lại thuở kiếm ít hơn". Khi hoạn nạn người ta thường nói thật, dù chưa dám mơ lùi đến thuở hàn vi không xu dính túi.
Nhắc đến bệnh viện, không thể không kể một loại bệnh lây đời mới: "viện phí"! Kiểu nhà thương không tính tiền ngày xưa gọi là nhà thương thí nay không còn, nhưng nếu tái xuất hẳn nháy mắt là quá tải. Cám cảnh, rõ ràng phí chữa bệnh xứ mình làm "chết giấc" từ bệnh nhân, thân nhân đến cả lòng nhân nghèo.
Khi khỏi bệnh, ra viện, bệnh nhân mừng mới phải, nhưng ở xứ mình thì không hẳn bởi đó là thời khắc họ nhận... hóa đơn tính tiền. Nhiều vị nằm viện lo bệnh ba thì lo cho "ngày phán xét" đó đến bảy. Khổ thân, càng lo bệnh càng lâu khỏi, viện phí lại đội lên!
Tiền chi cho thuốc men, xét nghiệm, drap trải giường, khấu hao điện nước đã đành, tiền còn phải giúp người bệnh làm vui lòng tập thể y bác sĩ, cán bộ công nhân viên bệnh viện. Không lạ việc "có vài trăm bạc việc này mới xong" trong nhà thương ta.
Tiền không chỉ tung hoành trên phiếu viện phí, chúng còn nhảy múa trên toa thuốc của các bác sĩ "tin ở hoa hồng". Với cái toa thuốc "tin ở hoa hồng", người có kiến thức y học không khó nhận ra trên đó xuất hiện vài ba hạng mục "không mợ chợ vẫn đông", người chữ bẻ đôi không biết cũng ngờ ngợ về độ dài cái toa. Thầy thuốc và tiền, hai "phạm trù" đáng lẽ "nước sông không phạm nước giếng" ấy vậy mà chúng khá keo sơn gắn bó, ít ra với một bộ phận thầy thuốc kiêm "doanh nhân". Ở đây, dù giỏi vô trùng, kê kháng sinh nhưng tiền gây bệnh cho chính bác sĩ: bệnh vô cảm.
Thế kỷ 21 mà ai còn than thở chữ tiền hẳn nhiều người sẽ cho rằng… chậm tiến. Có điều đồng tiền bá đạo chỗ nào thì chớ, chứ nhắm đến cả nhà thương thì buồn cho thế thái lắm. Người viết có hai tấm gương một trời một vực liên quan chữ tiền: một vị giáo sư dạy dỗ các bác sĩ tương lai, áo sờn vai, đến giảng đường trên chiếc Mobylett cà tàng cách đây nhiều năm và một vị bác sĩ đồng môn chỉ sau ít năm ra trường đã thỏa chí "ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, cưới vợ Nhật" với biệt danh "bác sĩ ngoại khoa", ám chỉ việc anh là bác sĩ nội khoa chẳng mổ xẻ gì nhưng rất sành... móc bệnh nhân ra phòng khám ngoài!
Sang năm là Quý Tỵ, năm con rắn. Con rắn có mặt trên biểu tượng ngành y nhưng không thấy tờ tiền nào in hình con rắn.
Theo BS Đỗ Minh Tuấn
Ý kiến bạn đọc