(VnMedia) - Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới thì số ca tai biến sản khoa ở Việt Nam trong gần một năm qua lên tới 500-600 ca.
Ngoài ra, số tử vong do bệnh lao chỉ 3.000/năm nhưng theo thống kê quốc tế thì tới 30.000 ca. Theo ước tính, tỷ lệ tử vong sơ sinh tại Việt Nam là 69/100.000 ca trẻ đẻ sống. Mỗi năm có khoảng 1,1 triệu trẻ ra đời.
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn chứng tại Hội nghị Hệ thống thông tin thống kê y tế.
Theo bà Tiến, tình trạng số liệu vênh nhau gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách. Nguyên nhân, của tình trạng trên là do thiếu nhân lực chuyên môn làm về thống kê y tế, phương pháp điều tra, nghiên cứu và thu thập số liệu chưa chuẩn, không thống nhất cũng như không tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế.
Chẳng hạn việc các bệnh viện thống kê không chính xác về ca tử vong liên quan đến kết quả điều trị vì nhiều bệnh nhân nặng xin về; hệ thống y tế thiếu số liệu tử vong do các bệnh không lây nhiễm, tử vong sơ sinh, tai biến sản khoa...
Để cải thiện tình trạng trên, sắp tới các bệnh viện cần sử dụng thống nhất phần mềm bệnh án điện tử để đảm bảo nhanh, chính xác trong theo dõi ca bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu từ cơ sở đến trung ương.
Hiện nay, Việt Nam đang triển khai thực hiện mục tiêu bao phủ y tế toàn dân và người dân được tiếp cận dịch vụ y tế đầy đủ ở tất cả các tuyến, nhưng các giải pháp được đưa để thực hiện được mục tiêu trên lại chưa bảo đảm hài hòa và toàn diện vì nguồn thông tin và số liệu y tế thu thập được chưa thống nhất.
Dẫn đầu trong các tai biến sản khoa gây tử vong mẹ là băng huyết. Ảnh minh họa. |
Phòng ngừa tai biến sản khoa
Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, dẫn đầu trong các tai biến sản khoa gây tử vong mẹ là băng huyết. Nguyên nhân là do sản phụ bị sang chấn bệnh lý sau đẻ (như vỡ tử cung, rách tử cung, âm đạo) hoặc có những bệnh lý rối loạn đông máu trước khi mang thai hoặc trong quá trình mang thai.
Bệnh sản giật nếu được theo dõi trong suốt thời kỳ mang thai và điều trị tốt có thể tránh được nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, trong sản khoa tắc mạch ối là biến cố khó chẩn đoán trước và tỷ lệ tử vong cao (từ 80-90%).
TS. Lê Hoài Chương cho biết, tắc mạch ối xảy ra rất đột ngột, tương tự sốc thuốc và không dự báo được khiến sản phụ choáng do nước ối, tế bào thai nhi, bọt khí, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác lọt vào hệ tuần hoàn của mẹ, gây ra suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính. Gia đình sản phụ thường khó chấp nhận lời giải thích của nhân viên y tế vì mới trước đó, sản phụ và thai nhi vẫn bình thường và không có nguy hiểm gì.
Hiện cũng chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu bệnh nhân được dùng thuốc, truyền dịch, truyền các chế phẩm của máu, đặt ống nội khí quản để duy trì chức năng tim mạch và hô hấp. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng điều trị thành công.
Theo các bác sĩ sản khoa, siêu âm có thể phát hiện được nhiều bất thường về hình thái thai nhi. Theo đó, thai phụ nên đi siêu âm hình thái thai nhi ở tuần thứ 12, 22, 32 của thai kỳ để phát hiện những bất thường, từ đó có thể nhận được những tư vấn tốt nhất của bác sĩ. Bên cạnh đó, khi có những dấu hiệu bất thường như: Ra máu âm đạo, ra nước âm đạo, thai cử động bất thường, tử cung bé hơn tuổi thai... cũng nên đi khám và siêu âm kịp thời.
Để bảo vệ sức khỏe cho sản phụ và thai nhi, sản phụ cần đảm bảo chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý; đảm bảo vệ sinh. Đăng ký khám thai sớm tại các cơ sở y tế. Khám thai định kỳ: ít nhất 3 lần vào 3 quý của thai kỳ, siêu âm ít nhất 3 lần.
Ý kiến bạn đọc