(VnMedia) - Dự kiến đến năm 2013 dân số Việt Nam sẽ đạt mốc 90 triệu người, tăng xấp xỉ 1 triệu người so với năm 2012.
Thông tin trên được Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế cho biết tại buổi mít-tinh kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam (26/12).
hơn 50 năm qua, Việt Nam từ một nước với mức sinh rất cao, với con số trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6,4 con vào năm 1960 đến nay đã hạ xuống còn 1,99 con. Công tác DS - KHHGĐ đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.
TS. Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ cho biết, năm 2012 là năm đầu tiên Việt Nam triển khai thực hiện Chiến lược Dân số sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 và Chương trình DS-KHHGĐ giai đoạn 2012-2015. Công tác DS-KHHGĐ tại Việt Nam năm 2012 tiếp tục có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, năm 2012, hầu hết chỉ số của chương trình (DS-KHHGĐ) đều không đạt hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2011.
Công tác DS-KHHGĐ của nước ta vẫn còn một số khó khăn, thách thức như: chất lượng dân số còn hạn chế; tỷ lệ bệnh, tật bẩm sinh và tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao (đặc biệt là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa); có sự chênh lệch bất lợi về mức sinh giữa các địa phương và các vùng, miền; mất cân bằng giới tính khi sinh đã bước vào mức cao, tốc độ tăng nhanh và ngày càng lan rộng.
Trong năm tới, Bộ Y tế tập trung giảm tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh tại 43 tỉnh, thành bằng cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, chú trọng truyền thông trực tiếp để xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ và kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm hạn chế việc lựa chọn giới tính thai nhi.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc