(VnMedia) - Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trên thế giới có hơn 7.000 trường hợp nhiễm HIV mới mỗi ngày trong năm (năm 2011), trong đó các nước thu nhập thấp và trung bình chiếm khoảng 97%.
Tại Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm tuổi 30-39 có xu hướng tăng nhanh (chiếm khoảng 43%). Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay tỷ lệ nhiễm HIV là nữ có xu hướng tăng nhanh từ 19,1% lên 31,4%.
Trong đó, các tỉnh miền núi như Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa và hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những tỉnh có dịch HIV/AIDS vẫn ở mức cao khó kiểm soát. Bên cạnh đó, thời gian gần đây có các tỉnh có dịch HIV/AIDS mới nổi như Bình Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam.
Theo dự báo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS thì tỷ lệ nhiễm HIV vào năm 2015 ở Việt Nam vào khoảng 0,29% dân số; số người có nhu cầu điều trị ARV vào khoảng trên 140.000 người.
Từ năm 2005 đến nay, Dự án phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới và tổ chức DFID tài trợ đã được triển khai tại 32 tỉnh, thành phố. Dự án đã triển khai các biện pháp can thiệp thích hợp cho các đối tượng thuộc nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao như nhóm người tiêm ma túy, phụ nữ mại dâm và quan hệ đồng tính nam như truyền thông trực tiếp, phát bơm kim tiêm sạch, phát bao cao su miễn phí, hỗ trợ điều trị Methadone tại 5 tỉnh, thành phố, với 1.720 bệnh nhân.
Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai nhiều mô hình hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Hiện 63 tỉnh trong cả nước có gần 500 phòng tư vấn, xét nghiệm HIV. Bộ Y tế cũng cấp phép cho 84 phòng xét nghiệm đủ điều kiện khẳng định HIV (+). Ngoài ra, có 43 cơ sở điều trị Methadone đang hoạt động.
Theo báo cáo của UNAIDS, trên toàn cầu có khoảng 370.000 trẻ nhiễm mới HIV. Hiện có 33,3 triệu người nhiễm HIV còn sống trong đó có 2,5 triệu trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV còn sống. Tổng số trẻ em từ 0 – 17 tuổi mất cha mẹ do HIV là 16,6 triệu.
Tại Việt nam, cả nước có 457.691 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trong đó cao nhất là số trẻ em sống cùng cha mẹ bị nhiễm HIV/AIDS, rồi đến số trẻ em mồ côi do AIDS, số trẻ em bị bỏ rơi do cha mẹ chết do AIDS. Tuy nhiên, trên thực tế con số này chắc chắn cao hơn rất nhiều do hiện nay việc thu thập số liệu về trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa được đầy đủ. Theo ước tính của Bộ Y tế thì số trẻ em nhiễm HIV sẽ là 23.400, nhưng hiện nay con số trẻ em từ 0-17 tuổi nhiễm HIV được báo cáo chỉ khoảng trên 8.000 trẻ.
Trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ HIV(+) cần được theo dõi, chăm sóc toàn diện, phát hiện, điều trị sớm nhiễm trùng cơ hội; tiếp cận và điều trị bằng thuốc kháng virus mới có thể giảm thấp tỷ lệ tử vong ở trẻ trong nhóm tuổi dưới 1 tuổi và dưới 2 tuổi. Vì nhiễm trùng cơ hội ở những trẻ này thường nặng, nguy cơ tử vong của trẻ rất cao. Bên cạnh đó, việc theo dõi những phụ nữ nhiễm HIV mang thai, quản lý và điều trị bằng thuốc ARV nếu mẹ đủ tiêu chuẩn điều trị, hoặc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu mẹ chưa đủ tiêu chuẩn điều trị sẽ đem lại hiệu quả to lớn, làm giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con.
Ý kiến bạn đọc