(VnMedia) - Theo thông tin từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ước tính cả nước hiện có khoảng 460.000 trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì. Số trẻ em thừa cân và béo phì đã tăng mạnh, tăng gấp 6 lần so với năm 2000.
Một điều đáng chú ý là tình trạng này diễn ra không chỉ trẻ ở thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà cả trẻ nông thôn cũng bị thừa cân. Ở thành phố tỷ lệ trẻ béo phì cao gấp 1,5 lần ở nông thôn. Xu hướng này cũng diễn ra ở người trưởng thành với tỷ lệ 5,6%, tập trung nhiều ở nhóm tuổi từ 50-60.
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, nguyên nhân của tình trạng trên do cách chăm sóc trẻ chưa đúng. Việc nuôi con bằng sữa mẹ rất có lợi để cải thiện, cân bằng dinh dưỡng của trẻ nhưng hiện nay tại nhiều hộ gia đình chưa được áp dụng đúng dẫn đến trẻ hoặc suy dinh dưỡng thấp còi hoặc béo phì.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người dân khi trẻ tròn 6 tháng tuổi mới nên cho ăn dặm. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều bậc cha mẹ đã cho trẻ khi mới được 3-4 tháng ăn thức ăn cứng ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, béo phì...
Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra lời khuyên dinh dưỡng là khẩu phần ăn đủ năng lượng, đủ chất dinh dưỡng, thực hiện đúng các quy trình nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.
Làm gì khi trẻ thừa cân và béo phì
- Cần cân đối khẩu phần ăn của trẻ, nên phối hợp nhiều loại thức ăn, tránh ăn một loại thực phẩm nào đó.
- Nếu uống sữa nên uống loại không đường.
- Hạn chế các món rán, xào, gia đình nên làm các món luộc, hấp, kho.
- Tuyệt đối không bỏ bữa, không để trẻ quá đói, vì nếu bị quá đói, trẻ ăn nhiều trong các bữa sau làm mỡ tích luỹ nhanh hơn.
- Nên ăn nhiều rau xanh, quả ít ngọt. Giảm bớt gạo thay bằng khoai, ngô hay những thức ăn cơ bản giàu chất xơ.
- Cho trẻ tập thể dục thường xuyên, khuyến khích trẻ tập thể dục là niềm vui, giảm căng thẳng, chứ không chỉ là giúp giảm cân.
Ý kiến bạn đọc