Năm 2013-2014: Thêm nhiều vắcxin mới đưa vào tiêm chủng

10:10, 19/12/2012
|

(VnMedia) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết năm 2013-2014, chương trình tiêm chủng mở rộng dự kiến sẽ bổ sung thêm nhiều vắcxin mới, như vắcxin ngừa rubella, vắc xin phòng cúm A/H5N1...

Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) chính thức triển khai ở VN từ năm 1985 với việc tiêm chủng 6 loại vắcxin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em gồm: lao, bạch hầu-ho gà-uốn ván, bại liệt và sởi. Đến nay, chương trình TCMR đã triển khai tiêm miễn phí 11 loại vắcxin phòng các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, sởi và viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn cho trẻ em và phụ nữ.

PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, mặc dù là quốc gia vẫn còn nghèo nhưng hiện Việt Nam đã tự chủ sản xuất 10/11 loại vắcxin trong chương trình TCMR, góp phần quan trọng vào việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân, giảm gánh nặng chi phí điều trị bệnh tật. Không những chủ động được nguồn vắcxin phục vụ tiêm chủng trong nước mà Việt Nam còn xuất khẩu vắcxin ra nước ngoài”.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, trong thời gian tới sẽ phối hợp với JICA Nhật Bản để sản xuất vắcxin phòng bệnh sởi, rubella, tiến tới khống chế hoàn toàn dịch sởi và rubella. Ngoài tự chủ được vắcxin trong chương trình TCMR, vắcxin H5N1 phòng cúm gia cầm trên người cũng đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trước khi đi vào sử dụng đại trà.

Được biết, hiện 100% số xã phường trên toàn quốc đã được bao phủ Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Nhiều năm nay, tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắcxin cho trẻ em dưới 1 tuổi luôn duy trì ở mức hơn 90%.

Hiện Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt, tiến tới loại trừ bệnh sởi và rubella, giảm cơ bản kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà, viêm gan B.

* Tỷ lệ trẻ có phản ứng nặng, phản ứng nguy hiểm sau tiêm là rất thấp. Các phản ứng tại chỗ sau tiêm như sưng tấy, đau, khó chịu, mệt mỏi, khó chịu… là hoàn toàn bình thường. Cha mẹ cần theo dõi con sau tiêm để phát hiện nhanh biểu hiện bất thường ở trẻ và báo cho cán bộ tiêm chủng xử lý kịp thời. Nếu cha mẹ không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con mình sau khi tiêm cần trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại VN cũng nhấn mạnh, bất kỳ các phản ứng nào ở trẻ sau khi tiêm vắcxin đều được theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe và được các Hội đồng chuyên môn xem xét, kết luận.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc