Hoang mang những hiện tượng bất thường 2012

07:32, 23/12/2012
|

(VnMedia) - Trong năm 2012, có nhiều sự kiện tế khiến người dân hết sức hoang mang, ảnh hưởng đến sức khoer tâm lý và thể chất, thậm chí nguy hại đến tính mạng: a míp ăn não người, áo ngực có chứa chất ung thư, chuột cắn người gây bệnh, kiến ba khoang,...

A míp ăn não người


Ảnh minh họa

Hai trường hợp tử vong do amip ăn não khiến nhiều người lo sợ bởi loại virus sống trong nước sông hồ này ít gây bệnh cho người. Bệnh nhân đầu tiên là thanh niên 25 tuổi ở Phú Yên, trú tại TP HCM, tử vong chỉ sau một ngày nhập viện. Bệnh nhân thứ 2 là một bé trai 6 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh. Bệnh nhân này đã tử vong sau 3 ngày có biểu hiện đặc trưng của chứng viêm não, viêm màng .

Đây là một căn bệnh hiếm gặp trên thế giới nhưng lại có tỷ lệ tử vong cao, do đó cũng dễ khiến người dân lo ngại nếu không được trang bị kiến thức đầy đủ về bệnh này. Những triệu chứng ban đầu của căn bệnh có thể làm bệnh nhân nhầm tưởng mình bị cảm cúm bình thường.

Xác định amip ăn não tồn tại trong nước sông hồ, có thể xâm nhập vào não theo đường mũi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao, nếu phải xuống nước nên hạn chế tối đa nước vào mũi, dùng kẹp mũi nếu có thể. Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi. Khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Chuột cắn người gây bệnh

Trong tháng 11, thông tin về chuột cắn một số người dân ở TPHCM và Hà Nội có thể truyền virut gây bệnh suy gan, suy thận cấp khiến người dân đang rất hoang mang.

Nỗi hoang mang được đẩy lên đỉnh điểm khi ngành y xác nhận trường hợp đầu tiên là bệnh nhân N.V.T (55 tuổi, ngụ tại quận 3, TPHCM) dương tính với virus Hanta (gây suy thận cấp) sau khi bị chuột cắn.

Theo GS-TS Trương Uyên Ninh - chuyên gia virus học, nguyên cán bộ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - virus Hanta thuộc họ Bunyaviridea, chúng chỉ gây bệnh cho người, nhưng không gây bệnh cho loài gặm nhấm. Chuột là vật trung gian mang mầm bệnh và truyền bệnh cho người. Người bị nhiễm virus Hanta sẽ mắc hội chứng sốt xuất huyết kèm theo suy thận cấp, có biểu hiện nhức đầu, đau lưng, đau bụng, sốt, lạnh run, nôn ói. Có thể có tình trạng mặt ửng đỏ, viêm đỏ kết mạc mắt, phát ban ngoài da. Sau đó bệnh nhân có thể bị huyết áp thấp, sốc, thoát huyết tương (tương tự sốt xuất huyết dengue) đồng thời xuất hiện suy thận cấp.

Các bác sỹ khuyến cáo người dân, nếu bị các dấu hiệu giống sốt xuất huyết nhưng có tiền sử như bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với nước tiểu, phân chuột thì cần nghĩ ngay đến virus Hanta để thông báo cho bác sỹ để điều trị kịp thời. Nếu điều trị sớm thì người bệnh chỉ cần khoảng 8 - 10 ngày sẽ hồi phục và sẽ không ảnh hưởng đến thận và những biến chứng.

Kiến ba khoang



Ảnh minh họa



Gần đây, người dân tại các thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố khá liên tục bị loài kiến ba khoang tấn công và gây bệnh, khiến mọi người lo lắng.

Bác sĩ Đỗ Xuân Khoát, trưởng khoa Da liễu, bệnh viện 19-8 (bộ Công an) cho biết, kiến ba khoang tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Colleoptera (cánh cứng). Thực tế, chúng không chủ định tấn công con người. Lông của kiến vương vãi khắp nơi chúng sinh sống hoặc đi xa hơn do bay theo gió, người vô tình chạm phải sẽ bị ngứa, mẩn đỏ da như phát ban, gây dị ứng da, thậm chí là phồng rộp, tróc da tức thì.

Thực tế, trường hợp bị kiến ba khoang đốt hoặc cắn thì không nguy hiểm như rắn cắn. Tất nhiên, người bị kiến cắn, đốt không đến các cơ sở y tế điều trị kịp thời, cũng gây nguy hại cho sức khoẻ và tính mạng.

Để phòng tránh, người dân cần cẩn trọng trong vệ sinh cá nhân, nơi ở, phải mắc màn trước khi đi ngủ để phòng tránh những tổn hại cho da từ những loài côn trùng, đặc biệt là kiến ba khoang. Với người dân ở những vùng nông thôn, hãy chú ý đến loài kiến này hơn, đừng nhầm lẫn nó với kiến lửa. Khi thấy con, em hoặc bản thân mình có các triệu chứng như trên đã nêu, hãy đến cơ sở y tế khám để được tư vấn, điều trị đúng phác đồ. Như vậy, sẽ không nguy hại đến sức khoẻ và điều quan trọng hơn, tránh được lo lắng độc tố từ chất nhầy của kiến gây ra.

Áo ngực có chứa chất gây ung thư


Cuối tháng 10, cơ quan chức năng của các tỉnh thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, TP HCM, Phú Yên... đã thu giữ nhiều áo ngực Trung Quốc chứa một dung dịch màu trắng và viên thuốc lạ.

Theo kết quả kiểm nghiệm mẫu của các đơn vị khác nhau đều cho thấy các hạt tròn màu trắng trong các túi dung dịch không màu là nhựa PS (Polystyrene Composit). Dung dịch không màu, khôngmùi, trong suốt trong các túi polyme dẻo là dầu khoáng (Mineral seal Oil).

Viện Khoa học hình sự cho biết, cả hai thành phần này đều không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Trong khi đó, kết quả kiểm nghiệm của Viện Hóa học lại phát hiện thêm thành phần polycyclic aromantic hydrocarbon (PAH) - hợp chất có thể gây ung thư, hàm lượng thấp hơn nhiều so với giới hạn.

Sửa Meiji nhiễm chất phóng xạ

Gần đây, báo chí đã đưa tin về việc sữa Meiji (của Nhật Bản) bị nhiễm phóng xạ có thể có tại Việt Nam gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thực phẩm đã rà soát các sản phẩm và đưa ra kết luận cho thấy, các sản phẩm sữa Meiji được Cục An toàn thực phẩm cấp phép nhập khẩu và lưu hành tại thị trường Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm Meiji Gold và Meiji Merry Mama. Riêng sản phẩm Meiji Step đã được cấp công bố từ tháng 6/2012 và được nhập về số lượngnhỏ, hiện tại không còn hàng bán trên thị trường.

Liên tiếp tai biến sản khoa



Ảnh minh họa
Từ đầu năm đến nay xảy ra khá nhiều các vụ tai biến sản khoa khiến sản phụ và trẻ sơ sinh tử vong, khiến dư luận bức xúc và lo lắng.

Mới đây nhất, đó là trường hợp tử vong bất thường của sản phụ Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1992, trú tại tổ 5 Văn Nội, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) vào 15h ngày 29/9 tại bệnh viện Phụ sản Trung ương. Theo thông tin ban đầu từ lãnh đạo bệnh viện, nhiều khả năng sản phụ tử vong là do tai biến tắc mạch ối.

Gia đình sản phụ cho biết, kết quả siêu âm trước đó cho thấy chị Hằng bị “nhau tiền đạo” và phải mổ đẻ. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu chuyển dạ và nhập viện, các bác sỹ đã khẳng định chị Hằng có thể sinh nở bằng phương pháp đẻ thường. Sau đó, gia đình chị Hằng bất ngờ nhận được thông báo từ phía bệnh viện là sản phụ đã tử vong và phải mổ ngay lập tức để cứu thai nhi. May mắn, con trai của sản phụ Hằng đã được cứu sống và hiện cháu bé đã qua cơn nguy kịch.

Bệnh nhân tử vong đã khiến rất nhiều người thân trong gia đình sản phụ này vô cùng bức xúc. Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung Ương đã báo cáo lên công an quận.

Đặc biệt nhất là tại tỉnh Quảng Ngãi, 8 tháng qua đã xảy ra 19 vụ tai biến sản khoa, trong đó có 6 vụ gây tử vong cho 7 trẻ sơ sinh và 3 bà mẹ. Theo các chuyên gia, tại thời điểm xảy ra các vụ tai biến, hầu hết thiếu bác sĩ trực và hộ lý, bệnh nhân quá tải, trang thiết bị còn thiếu và yếu, trình độ chuyên môn, đạo đức hành nghề của cán bộ y tế còn nhiều bất cập.

Cũng vì những thông tin xấu liên quan đến sản phụ và trẻ sơ sinh thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều đã khiến không ít bà bầu đang chuẩn bị "đón Rồng" cảm thấy lo lắng.

Tử vong sau khi tiêm vắc-xin 5 trong 1

Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng khi đọc thông tin về 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin ở Nghệ An được báo chí đăng tải. Cả 3 cháu đều 3 tháng tuổi, được tiêm vắcxin Quinvaxem mũi 1 và uống vắc xin bại liệt OPV lần 1 tại Trạm y tế xã Châu Quang và Đồng Hợp. Có 2 cháu bé sau khi tiêm có hiện tượng sốt, sau đó bớt sốt dần, chơi và bú bình thường, nhưng đã tử vong sau đó từ 30 – 66h. Có một cháu bé không có biểu hiện gì bất thường, bú tốt nhưng vẫn tử vong. Cả 3 cháu bé đều không có tiền sử bệnh tật và tiêm chủng không có gì đặc biệt.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, ngày 21/12, Cục Quản lí dược đã có công văn thông báo về việc tạm ngừng sử dụng lô vắc-xin Quinvaxem inj có liên quan đến cái chết của 3 trẻ nhỏ sau khi tiêm vắc-xin này.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo cán bộ tiêm chủng cần tư vấn đầy đủ cho gia đình/người được tiêm chủng, đặc biệt các trường hợp chống chỉ định và hướng dẫn theo dõi, xử trí các phản ứng sau tiêm chủng. Các bà mẹ theo dõi trẻ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm và kịp thời thông báo cho cơ sở y tế để có biện pháp xử lý phù hợp.

Đỉa trong sữa, mì tôm

Gần đây, tin tồn có đỉa trong sữa, rồi bim bim, mì tôm…rầm rộ trên các trang diễn đàn khiến người tiêu dùng hoang mang.

Tuy nhiên, Hiệp hội Sữa Việt Nam có thông cáo khẳng định những thông tin này là tin đồn thất thiệt. Theo đó, đỉa không thể nào sống trong môi trường ngọt, đậm đặc và được đóng kín như sữa. Kết quả xét nghiệm sản phẩm nghi là có đỉa cũng không tìm thấy ký sinh trùng, côn trùng hay đỉa.

Liên quan đến thông tin cóđỉa trong sản phẩm mì tôm khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang, Cục An toàn thực phẩm cho biết mì gói là sản phẩm phải qua giai đoạn hấp chín ở 100 độ C và chiên khô trong dầu ở 150 độ C (môi trường đỉa và các vi sinh vật không thể phát triển), sau đó chạy qua hệ thống quạt để làm nguội và đóng gói trong bao bì kín đảm bảo an toàn thực phẩm. Do đó, trong gói mỳ không thể có đỉa.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc