(VnMedia) - Số trẻ mắc bệnh tự kỷ ở Việt Nam đang tăng nhanh qua các năm. Nếu như năm 2008 chỉ có 900 trẻ tới khám tại bệnh viện thì năm 2011 có tới 2.200 trẻ.
Thông tin trên được Th.S Nguyễn Thị Hồng Thuý, Khoa tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết tại hội thảo “Chứng tự kỷ - Những điều cần biết”, ngày 25/11.
Th.S Nguyễn Thị Hồng Thuý cũng cho biết, trong số những trẻ bị tự kỷ thì có khoảng 50% trẻ ở thể tự kỷ điển hình, còn lại là thể nhẹ và trung bình. Điều đáng chú ý chỉ có khoảng 30% số trẻ đã tái khám và theo dõi định kỳ.
Theo một nghiên cứu của Khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, 82% số cha mẹ khi biết con bị tự kỷ đã rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu, trầm cảm.
Th.S tâm lý lâm sàng Trần Văn Công, Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ cho biết, khoảng 1/3 số người tự kỷ bị động kinh, nếu không được điều trị sẽ làm suy giảm khả năng nhận thức, trí nhớ, giảm khả năng học tập và hoạt động...
Hiện nay, chưa có thuốc chữa tự kỷ và chưa thống nhất về nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy, các chuyên gia tâm bệnh khuyến cáo cha mẹ không nên sử dụng các dịch vụ hoặc chuyên gia được quảng cáo là chữa khỏi được cho trẻ tự kỷ.
Mặc dù chưa thống nhất về nguyên nhân gây bệnh nhưng các nhà khoa học đang có xu hướng cho rằng, có nhiều nguyên nhân cùng tác động theo những cách phức tạp, để lại hệ quả trong cấu trúc hoặc chức năng của não bộ, gây ra tự kỷ.
Do đó, cách điều trị duy nhất không thể khắc phục mọi nguyên nhân. Thêm nữa, mức độ và đặc điểm tự kỷ ở từng trẻ khác nhau nên nhu cầu về trợ giúp, can thiệp và giáo dục cũng rất khác nhau, vì thế không thể có một phương pháp nào tốt cho mọi trẻ tự kỷ.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc