(VnMedia) - Theo một nghiên cứu mới, trong thời kỳ mang thai mẹ tiếp xúc với không khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tử kỷ cho trẻ sau này.
Người đứng đầu cuộc nghiên cứu, Tiến sĩ Heather E. Volk, Phó Giáo sư y tế dự phòng thuộc Đại học Nam California ở Los Angeles cho biết, đã có thêm nhiều nghiên cứu cho thấy, tác động của y tế công cộng ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em bởi vì tiếp xúc với ô nhiễm không khí có ảnh hưởng lâu dài đối với thần kinh.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Archives of General Psychiatry tháng 11/2012.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ được tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao nhất trong thời gian ở trong bụng mẹ có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ gấp 3 lần những đứa trẻ sống trong nhà có tiếp xúc thấp nhất.
Trong khi chưa rõ nguyên nhân và phương pháp chữa trị cho các rối loạn tự kỷ, các nhà khoa học cho biết, ảnh hưởng của di truyền, môi trường có thể làm tăng nguy cơ rối loạn tự kỷ.
Để kiểm tra mối quan hệ giữa môi trường và nguy cơ tự kỷ, các nhà nghiên cứu đã khảo sát với 279 trẻ em bị bệnh tự kỷ. Họ cũng so sánh những đứa trẻ này với 245 trẻ em khác không bị bệnh.
Theo đó, nguy cơ tự kỷ cũng tăng lên cho những trẻ được tiếp xúc với mức độ cao hơn của các hạt vật chất và nitrogen dioxide (hay còn gọi là khói).
Tự kỷ là một chứng bệnh phát triển thần kinh mà nguyên nhân có thể là do cả các yếu tố di truyền và môi trường. Các yếu tố nguy cơ hay gặp bao gồm các vấn đề về giao tiếp, tương tác xã hội và các hành vi lặp đi, lặp lại.
Nghiên cứu này chỉ ra, yêu cầu cấp thiết đó là cần phải nghiên cứu thêm về phát triển não trước khi sinh và sau khi mắc bệnh tự kỷ, tập trung mối quan hệ giữa gen và các yếu tố môi trường như thế nào làm tăng nguy cơ.
Biểu hiện lâm sàng thường gặp của bệnh tự kỷ:
- Trẻ tự cô lập, không biểu hiện sự liên hệ thường thấy với cha mẹ và người xung quanh. Ở giai đoạn 3 tháng tuổi, trẻ không cười, không có phản ứng sợ hãi trước người lạ, không quyến luyến người thân. Đến tuổi đi học, trẻ không chơi đùa với bạn bè cùng lứa, có những hành vi không phù hợp. Do thiếu năng lực hoạt động xã hội nên khi trưởng thành, người tự kỷ ít quan hệ tình dục và hôn nhân.
- Trẻ tự kỷ thường bị câm hoặc chỉ phát ra các âm thanh vô nghĩa. Có khi 5 tuổi, trẻ mới bập bẹ vài tiếng. Khi trẻ lớn hơn thì nói lặp đi lặp lại, nói sai ngữ pháp, nói lộn xộn... Khi trưởng thành, người tự kỷ vẫn còn các bất thường về ngôn ngữ.
- Chống đối lại sự thay đổi của môi trường xung quanh; gắn bó bất thường với một số đồ vật vô tri vô giác, kèm theo động tác liếm và ngửi; hoạt động nhiều nhưng đa phần không có mục đích; tự gây thương tích ...
- Có thể có các cử động bất thường như nhăn nhó mặt mày, xua tay, xoắn vặn bàn tay, chạy vòng tròn...
Ý kiến bạn đọc