Nhiều bệnh nhân lâu khỏi do suy dinh dưỡng

20:12, 08/11/2012
|

(VnMedia) - Ở nhiều nước trên thế giới, ăn uống được chỉ định như thuốc trong điều trị. Trong khi đó ở nước ta, vấn đề này chưa được quan tâm thỏa đáng. Vì vậy, nhiều bệnh nhân càng lâu khỏi bệnh.

Tại cuộc họp báo giữa kỳ chương trình hỗ trợ dinh dưỡng lâm sàng, diễn ra ngày 7/11, TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, khi nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam về tỷ lệ các bệnh liên quan đến dinh dưỡng tại bệnh viện, tỷ lệ bệnh nhân nội trú suy dinh dưỡng ở mức chung 50%. Đáng chú ý có bệnh viện tỷ lệ này lên đến 78% ở các bệnh nhân làm phẫu thuật.

Một nghiên cứu của khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho thấy, có tới 65% người bệnh nhập viện trong tình trạng suy dinh dưỡng.

TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai cho rằng, dinh dưỡng là một phần quan trọng thiết yếu trong quá trình điều trị. Nhiều người nhà khi chăm sóc người bệnh chỉ nghĩ rằng ăn gì ngon nhất, nhiều chất bổ dưỡng nhất, mà không biết rằng với từng tình trạng bệnh khẩu phần ăn cũng rất khác nhau.

Hiện nay mới chỉ có khoảng 70% bệnh viện có khoa dinh dưỡng, trong đó chỉ có 30% số khoa hoạt động đúng tính chất, số còn lại mang tính chất tổ dịch vụ, chưa đảm bảo chế độ ăn và hiệu quả điều trị. Đội ngũ y bác sĩ còn thiếu kinh nghiệm về dinh dưỡng và nhất là chưa có chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh nặng.

Trong môi trường bệnh viện, suy dinh dưỡng mà đặc biệt là suy dinh dưỡng ở người lớn, là một nguy cơ gây ra biến chứng nhiễm khuẩn và không truyền nhiễm, dẫn đến kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí y tế.

Tại Việt Nam, hiện còn 31% bệnh viện tỉnh chưa có khoa dinh dưỡng và trong số khoa dinh dưỡng đã có, chỉ 19% áp dụng chế độ dinh dưỡng lâm sàng.


Thuỳ Hoa

Ý kiến bạn đọc