(VnMedia) - Việt Nam là một nước nhiệt đới nhưng hiện nay tỷ lệ thiếu vitamin D ở trẻ em khá cao so với các nước xung quanh do nhiều trẻ không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đúng cách sau khi sinh.
Việc thiếu vitamin D trầm trọng khiến nhiều trẻ Việt bị còi xương. Nếu như trước đây, còi xương được coi là bệnh phổ biến ở châu Âu, nhưng gần đây lại là một vấn đề sức khỏe cộng đồng ở nhiều quốc gia, thậm chí ở cả những nước nhiệt đới có nhiều ánh sáng mặt trời như Việt Nam.
Theo thống kê của Viện dinh dưỡng Quốc gia, cho tới năm 2010, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị còi xương vẫn chiếm tới 29%, nghĩa là trung bình cứ 3 trẻ sẽ có 1 trẻ em bị mắc bệnh còi xương.
Vừa qua, một nhóm các chuyên gia về dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng đã tiến hành nghiên cứu vấn đề thiếu vitamin D và một số yếu tố liên quan ở trẻ em từ 1-6 tháng tuổi trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam tập trung tìm hiểu về tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Các chuyên gia dinh dưỡng đã tiến hành nghiên cứu gần 200 trẻ từ 1-6 tháng tuổi đang được bú mẹ và các bà mẹ đã được lựa chọn ngẫu nhiên, mời tham gia nghiên cứu tại một số khu vực nông thôn thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam đang có tỷ lệ thiếu vitamin D ở trẻ từ 1-6 tháng tuổi tương đối cao so với các nước khác trong khu vực. Tỷ lệ trẻ có hàm lượng vitamin D thấp là 40%, và gần 24% trẻ thiếu vitamin D, trong đó số trẻ thiếu nặng là 9%.
Như vậy, tỷ lệ thiếu vitamin D của trẻ em Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, nhưng cao hơn Thái Lan và Malaysia.
Nếu nhận xét theo tháng tuổi của trẻ thì kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, trẻ 1-2 tháng tuổi có tỷ lệ thiếu vitamin D cao nhất. Nguyên nhân có thể do trẻ ở độ tuổi này được kiêng nắng nhiều hơn nên tỷ lệ thiếu vitamin D cao hơn.
Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra, hàm lượng vitamin D trung bình trong sữa mẹ quá thấp, nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu về vitamin D cho trẻ và trẻ cần được bổ sung thêm bằng cách tắm nắng hàng ngày.
Theo số liệu thống kê tại Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bệnh còi xương là bệnh hay gặp nhất tại Trung tâm, chiếm tới gần một nửa số trẻ, khoảng 45% số ca tư vấn. Đáng lo ngại hơn, bệnh còi xương không có xu hướng giảm trong những năm gần đây.
Bằng chứng từ những nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy, dinh dưỡng canxi và vitamin D đóng vai trò quan trọng với sức khỏe xương. Trẻ em bị thiếu canxi và vitamin D dẫn đến còi xương, hạn chế phát triển chiều cao và suy dinh dưỡng thể còi cọc.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc