Huy động nguồn lực đổi mới lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần

13:40, 30/11/2012
|

(VnMedia)- Trong hai ngày 27 – 28/11, tại TP Đà Nẵng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với tổ chức Atlantic Philanthropies và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị triển khai Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2011 – 2020 (Đề án 1215).

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền; Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm; Ông Jesper Moller, Phó Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam, Ông Nguyễn Xuân Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; đại diện các tổ chức Liên hợp quốc, tổ chức phi chính phủ, chuyên gia quốc tế; lãnh đạo Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố; các bệnh viện tâm thần, cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người tâm thần.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe trình bày về kế hoạch triển khai, qui hoạch mạng lưới, thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong ngành y tế, đồng thời được nghe các đại biểu quốc tế chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Cơ sở phòng và điều trị tâm thần thiếu về số lượng, yếu về chất lượng

Theo thống kê năm 2010 của Bộ LĐTBXH, ở nước ta chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp như tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu, sa sút trí tuệ ở người già…đã chiếm khoảng 10% dân số, tương đương gần 9 triệu người, trong đó có khoảng 200 nghìn người tâm thần nặng, có hành vi nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng (đập phá tài sản, đánh người, gây án mạng, đi lang thang gây rối, gây mất trật tự an toàn xã hội). Số người rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là số người tâm thần có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tại các thành phố, đô thị lớn.

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách chăm lo đời sống cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người mắc bệnh tâm thần. Đến nay, có khoảng 10 nghìn người tâm thần nặng đang được chăm sóc và phục hồi chức năng tại 26 cơ sở bảo trợ xã hội ở 20 tỉnh, thành phố. Chính phủ đã giải quyết trợ cấp hàng tháng cho gần 200 nghìn người tâm thần nặng sinh sống tại gia đình và cộng đồng. Đã xây dựng được một số mô hình tốt về lao động trị liệu và phục hồi chức năng luân phiên cho người tâm thần nặng tại Trung tâm bảo xã hội các tỉnh: Sơn La, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, xây dựng bước đầu mô hình tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ công tác xã hội với điều trị y tế dự phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại phòng khám Tu Na (Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: “ Hiện nay, nước ta chưa có cơ sở phòng và điều trị rối nhiễu tâm trí, các cơ sở bảo trợ xã hội làm nhiệm vụ trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng cho người tâm thần rất ít, chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu chăm sóc của người tâm thần. Qui trình chăm sóc và phục hồi chức năng của các cơ sở bảo trợ xã hội chưa luân phiên, gần như nuôi dưỡng người tâm thần là chính. Kỹ năng và phương pháp chăm sóc chưa khoa học, phần lớn các cơ sở bị xuống cấp về cơ sở vật chất, thiếu các trang thiết bị phục hồi chức năng. Cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại cộng đồng và trong các cơ sở chăm sóc người tâm thần còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo chuyên ngành, chưa có các dịch vụ trị liệu tâm lý, dịch vụ công tác xã hội. Do đó, cần đổi mới lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần theo hướng phát triển các dịch vụ công tác xã hội, trợ giúp xã hội kết hợp với điều trị y tế để phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng”.

Huy động nguồn lực đổi mới lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và kế thừa kinh nghiệm quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2011 – 2020. Theo đó, tổng kinh phí dự kiến của Đề án là 8.382 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương khoảng 2.440 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 900 tỷ đồng, các nguồn viện trợ quốc tế ước tính 42 tỷ đồng, đóng góp của gia đình và cá nhân đối tượng khoảng 5.000 tỷ đồng. Đề án hướng tới mục tiêu: 90% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và số người tâm thần lang thang được phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Có 90% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác. Có 100% gia đình có người tâm thần, 70% người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được nâng cao nhận thức về trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng. Hình thành nhóm cán bộ, nhân viên và cộng tác viên xã hội kết hợp với nhân viên y tế trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần tại xã, phường, thị trấn có đông đối tượng.

Trên cơ sở thảo luận, hội nghị sẽ có các khuyến nghị về: Mô hình chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa và cộng đồng; tại trung tâm bảo trợ xã hội và bệnh viện; Khung chương trình hành động tổng thể bao gồm phát triển các dịch vụ xã hội, y tế trong chăm sóc sức khỏe tâm thần theo hướng dựa vào cộng đồng tại Việt Nam; Cơ chế hợp tác liên ngành trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần bao gồm tại Trung tâm bảo trợ xã hội, cộng đồng và bệnh viện tâm thần; Hướng dẫn triển khai Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2012 – 2020; Định hướng phát triển giáo dục và đào tạo về chăm sóc sức khỏe tâm thần; Nâng cao nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương về việc trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc