(VnMedia) - Cơ chế tự chủ tài chính, xã hội hóa y tế đã giúp ngành y tế phát triển, giúp người bệnh có khả năng chi trả tiếp cận được các dịch vụ tốt hơn, tuy nhiên, khám chữa bệnh công tư đang có sự lẫn lộn, nhập nhèm.
Ông Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, xã hội hóa y tế đã giúp ngành y tế phát triển, đến năm 2011 đã có khoảng 65.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa và 133 bệnh viện tư nhân hoạt động. Khối y tế tư đã cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và hơn 2% tổng dịch vụ nội trú cho người dân.
Nhờ cơ chế tự chủ tài chính, xã hội hóa y tế với việc ra đời các khoa khám bệnh theo yêu cầu, khám “dịch vụ”, “tự nguyện” giúp người bệnh có khả năng tiếp cận được với các dịch vụ tốt hơn, được lựa chọn bác sĩ, tránh phiền hà, giảm thời gian chờ đợi và đặc biệt là không phải đưa "phí ngầm", "phong bì". Tuy nhiên, dịch vụ tự nguyện thực chất là dịch vụ tư nhân trong bệnh viện công. Do vậy, khu vực này trở thành sân sau của chính các bệnh viện công, dẫn đến các tiêu cực, sử dụng cơ sở vật chất và nhân lực công cho các hoạt động tư.
Hơn nữa, việc tăng thu nhập của bệnh viện bằng việc mở rộng các "dịch vụ theo yêu cầu", "dịch vụ chất lượng cao" trong quá trình tự chủ nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến tăng nguồn chi trả trực tiếp, lạm dụng dịch vụ…
Cũng theo ông Tuấn, khi các nguồn lực bị hút vào cung cấp dịch vụ theo yêu cầu cho người thu nhập khá giá dịch vụ sẽ bị đẩy lên cao kéo theo nguồn lực y tế giỏi cũng sẽ bị “hút” vào các dịch vụ này, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chăm sóc chung cho đại đa số người dân khả năng chi trả thấp ngay trong môi trường y tế công.
Ông Dương Huy Liệu, Chủ tịch Hội Kinh tế y tế, cho rằng nên có cơ chế tách bạch để người dân không bị phân biệt đối xử ngay trong môi trường bệnh viện. Tự chủ tài chính trong bệnh viện cần minh bạch, tránh nhập nhèm công - tư. Một số ý kiến khác cũng bày tỏ cần rạch ròi công - tư, khuyến khích xã hội hóa y tế nhưng phải "ngoài khuôn viên" của bệnh viện công.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc