Số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tăng mạnh

14:52, 02/10/2012
|

(VnMedia) - Theo Bộ Y tế, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng mới vẫn không ngừng gia tăng ở nhiều tỉnh. Trong 9 tháng, cả nước đã có hơn 93.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó 41 trường hợp đã tử vong.

Các dịch bệnh khác cũng có nhiều người mắc như 554 trường hợp mắc viêm não virus, trong đó có 15 trường hợp tử vong; 124 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu, 5 trường hợp tử vong; 440 trường hợp mắc bệnh thương hàn.

Về dịch bệnh tay chân miệng, trong tháng qua, số trường hợp mắc mới vẫn không ngừng gia tăng ở nhiều tỉnh như Hà Nội, Bắc Giang, Bình Phước.

Tại Hà Nội, theo thông tin từ Sở Y tế thành phố, tính đến ngày 20/9, tình hình dịch bệnh đã được khống chế, chưa xảy ra dịch lớn trên địa bàn. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã có gần 3.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Như vậy, số người mắc bệnh tay chân miệng của Hà Nội tăng hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2011, toàn Hà Nội chỉ có 1.500 trường hợp mắc bệnh này.

Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bắc Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 733 trường hợp mắc bệnh. Các ca bệnh vẫn chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi và mang tính tản phát. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Phước cho biết, toàn tỉnh có 844 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 2 ca tử vong.

TS Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân là do hiện nay có nhiều týp virut gây bệnh, một người có thể mắc nhiều týp virut khác nhau, đặc biệt sự lưu hành của týp virut EV71 cao nên có nguy cơ diễn biến bệnh cảnh lâm sàng nặng, dễ gây tử vong.

 

Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu; chủ yếu lây lan qua tiếp xúc với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng, phân nhiễm virus. Do đó, nguyên tắc phòng chống dịch quan trọng là:

 

- Phát hiện sớm các trường hợp mắc để xử lý và điều trị kịp thời.   

- Cách ly ngay các trường hợp mắc, không để lây lan ra cộng đồng.   

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nâng cao thể trạng.   

- Làm sạch bề mặt và khử trùng dụng cụ sinh hoạt, nhà vệ sinh bị nhiễm chất tiết và bài tiết của bệnh nhân tay chân miệng.

Thủ tướng Chính phủ đã có công điện huy động tổng lực hệ thống chính trị vào công tác phòng chống dịch bệnh. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thành lập ngay các đoàn liên ngành để kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các quận, huyện, xã, phường. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh phòng bệnh tại các cụm dân cư, hộ gia đình, nhà trẻ, mẫu giáo, các điểm giết mổ, vận chuyển, buôn bán, chăn nuôi gia cầm... Thủ tướng cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc tuyên truyền, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H5N1, bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trong các trường học...


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc