(VnMedia) - Nhân ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu, ngày 10/11 tới, tại Bệnh viện Bạch Mai sẽ tổ chức khám bệnh miễn phí cho những người có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen phế quản.
Theo đó, những người đến khám sẽ được các bác sĩ thuộc Trung tâm Hô hấp của Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh, đo chức năng hô hấp, cấp thuốc và tư vấn điều trị miễn phí.
Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, phó giáo sư Ngô Quý Châu cho biết, đối tượng có nguy cơ mắc COPD và hen phế quản có ít nhất một trong các yếu tố sau: hút thuốc lá, thuốc lào trên 10 năm; trực tiếp đun bếp (than, củi, rơm, rạ) trên 30 năm; tiếp xúc với bụi, hóa chất nghề nghiệp; khó thở nặng dần theo thời gian; ho liên tục trong nhiều tháng, nhiều năm; thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng; bản thân hoặc gia đình có người mắc bệnh dị ứng, viêm mũi dị ứng hoặc mắc hen phế quản…Do vậy, những người có các biểu hiện trên nên đi khám để đội ngũ bác sỹ của bệnh viện khám sàng lọc và phát hiện bệnh sớm.
Người dân muốn khám miễn phí có thể đăng ký khám tại Văn phòng Ban quản lý dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn và mạn tính, Bệnh viện Bạch Mai qua số điện thoại: 043.6291207 hoặc đăng ký qua email: duanbenhphoi@gmail.com.
Triệu chứng chính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Triệu chứng hay gặp nhất là khó thở, ho, khò khè và có hiện tượng tăng tiết chất nhày và đờm. Một người bệnh được chẩn đoán là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khi có biểu hiện ho, khạc đờm trên 3 tháng trong một năm và biểu hiện liên tiếp như vậy trong vòng 2 năm trở lên, khó thở ngày càng tăng. Bệnh nhân thường phải gắng sức để thở hoặc thở hổn hển. Đờm trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường trong hoặc hơi đục, đôi khi có màu hơi vàng. Khi dùng ống nghe để nghe phổi thì thấy có ran như ran rít, ran ngáy, ran ẩm to hạt, ran nổ.
Nếu cơ sở y tế có điều kiện đo chức năng hô hấp sẽ thấy chỉ số thông khí tắc nghẽn không hồi phục. Ở đây cũng cần quan tâm đến bệnh về hô hấp, cũng gây khó thở đó là bệnh hen suyễn. Bệnh hen suyễn thường xuất hiện vào ban đêm hoặc khi thời tiết thay đổi hoặc gặp dị nguyên như phấn hoa, tôm, cua... và thường có tiền sử bị bệnh hen từ lúc còn nhỏ tuổi; tiền sử gia đình có người bị hen suyễn hoặc mắc một số bệnh dị ứng như mề đay, viêm da dị ứng. Bệnh cũng có ho, khó thở (khó thở vào), tăng tiết, khi nghe phổi cũng có ran rít, ran ngáy, có rối loạn thông khí tắc nghẽn nhưng có khả năng hồi phục.
Cả hai bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đều hay tái diễn và đều có khả năng trở thành tâm phế mạn. Tuy vậy bệnh hen suyễn dẫn đến suy hô hấp và tâm phế mạn chậm hơn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh hen suyễn sẽ lên cơn hen cấp tính mỗi khi gặp phải chất gây dị ứng (dị ứng nguyên) hoặc chất kích thích trong khi bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không nhất thiết như vậy. Để chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính người ta dùng phế dung ký. Phế dung ký giúp cho vệc chẩn đoán phân biệt các bệnh gây tắc nghẽn đường thở như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh xơ phổi...
Ý kiến bạn đọc