"Kỹ nghệ" làm giả đông dược ngày càng tinh vi

13:44, 17/10/2012
|

(VnMedia) - “Kỹ nghệ” làm giả thuốc đông dược ngày càng tinh vi, chính vì vậy thậm chí ngay cả bệnh viện cũng bị “nhầm lẫn” thuốc.

Phát hiện mới nhất trong đợt kiểm nghiệm của Bộ Y tế về chất lượng thuốc Đông y ở các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước cho thấy, gần 400 mẫu dược liệu được kiểm nghiệm thì có tới 60% mẫu chưa đạt chất lượng. Trong đó, 20% số thuốc còn bị trộn rác như cát, xi măng, lẫn tạp chất, giả mạo, tẩm ướp hóa chất độc hại…

Ông Phạm Vũ Khánh, Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền (Bộ y tế), không như tân dược, chất lượng dược liệu rất khó kiểm soát, bởi tân dược có ghi chú hoạt chất, hàm lượng hoạt chất nhưng dược liệu thì không như vậy. 

Thuốc Đông y rất khó kiểm định vì nhiều khi “để trên bàn là thuốc nhưng dưới đất có thể là rác”. Dược liệu lại ở dạng tươi và sơ chế “không thể không mốc”. Nếu không thường xuyên được kiểm tra, phơi phóng, sấy khô thì chỉ vài ngày có thể ẩm mốc, làm “nhạt” hàm lượng hoạt chất, biến thuốc loại 1 xuống thành loại 3-4.

Kho bảo quản dược liệu không đủ điều kiện cũng có thể khiến dược liệu bị ẩm nấm mốc, nhiễm bụi tạp chất ảnh hưởng xấu đến chất lượng, biến đổi hàm lượng hoạt chất trong dược liệu. Nấm mốc làm giảm chất lượng dược liệu, tiết men phân huỷ hoạt chất trong dược liệu, tiết các độc tố gây bệnh.

Theo khảo sát của cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế, 15% dược liệu được kiểm tra bị mốc, không đủ tiêu chuẩn theo dược điển. Thậm chí, một chuyên gia của Đại học Dược Hà Nội cho biết, do hám  lợi, một số dược liệu bị thay thế bởi các nguyên liệu rẻ tiền hơn, chất lượng kém hơn, như: hoài sơn thay bằng củ cọc, củ mỡ; hiện có tình trạng nhà sản xuất còn sử dụng chì để bọc viên, đánh bóng dược liệu; sử dụng một số hóa chất để bảo quản như: xông diêm sinh, thậm chí là sunfua kẽm gây độc hại cho cơ thể.

Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 50.000 tấn dược liệu, nhưng có đến 60-70% là thuốc nhập ngoại, và trong số này 80% là thuốc nhập lậu, trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng của thị trường dược liệu hiện nay vẫn là bài toán nan giải. Theo ông Khánh cho biết, Vụ Y dược cổ truyền cũng không biết, vì Cục Dược quản lý nguồn gốc, xuất xứ của dược liệu.

Bên cạnh đó, trình độ kiến thức của các y bác sĩ đông y còn nhiều yếu kém, khả năng phân biệt thuốc đông dược thật và giả còn hạn chế cũng là nguyên nhân giúp cho thuốc đông dược giả từ Trung Quốc xâm nhập.

TS. Trần Thị Hồng Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền cho biết, các loại thuốc đông dược giả mạo ngày càng được làm rất tinh vi, rất khó nhận biết. Đơn cử như, trước đây muốn phát hiện Bạch linh giả chỉ cần ngâm vào nước thì sẽ thấy vị tan nhanh chóng, song hiện nay phía nhà buôn rất tinh vi đã trộn canxi cacbonat vào Bạch linh để cho vị này không tan trong nước khi thử.

Để ngăn chặn dược liệu kém chất lượng, thuốc y học cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu không đảm bảo, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát chất lượng các dược liệu. Riêng đối với 4 vị thuốc: Hoàng hoa, Bạch Linh, Thỏ ti tử, Hoài sơn, các cơ sở y học cổ truyền chỉ được sử dụng khi có kết quả kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng đối với từng lô thuốc được nhập vào cơ sở khám chữa bệnh.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc