(VnMedia) - Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm trên thế giới có khoảng 1 triệu người chết vì tự tử, tức khoảng 3.000 người chết mỗi ngày. Đáng lo ngại là độ tuổi có hành vi tự tử đang trẻ hóa, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi 15 - 25.
Hiện số vụ tự tử đã tăng 60% so với 50 năm trước. Dự báo đến năm 2020, con số này có thể sẽ tăng lên thành 1,5 triệu, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
Nữ giới thường dễ bị sốc do các yếu tố tình cảm, gia đình và dễ bị tổn thương hơn nam giới. Do đó, họ không làm chủ được mình, dẫn đến các hiện tượng tiêu cực như bỏ nhà đi và khi không có lối thoát sẽ tự hủy hoại mình.
Các nhóm nghiên cứu về vấn đề khủng hoảng tâm lý dẫn đến tự tử gần đây cũng cảnh báo hiện tượng tự tử tập thể ở Việt Nam ngày càng tăng. Dù ở thành thị hay nông thôn, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử là bức xúc gia đình và xã hội.
Kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 được thực hiện vào cuối năm 2008 cũng đưa ra những con số đáng báo động. Gần 27% số người được hỏi rơi vào tình trạng rất buồn hoặc thấy mình là người không có ích đến nỗi không muốn hoạt động bình thường. So với cuộc điều tra cách đây 5 năm cho thấy mức độ buồn chán và số lượng người trẻ buồn chán đã tăng lên. 21% hoàn toàn thất vọng về tương lai.
Tại Việt Nam chưa có hệ thống phòng chống tự tử một cách chuyên nghiệp, cũng như chưa có nhiều tổ chức, chương trình hoạt động trong lĩnh vực phòng chống tự tử. Và tự tử là vấn đề có thể phòng tránh được nhưng những người xung quanh lại chưa có đủ kỹ năng để phát hiện, ngăn chặn ý định này.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc