(VnMedia) - Rượu thuốc là một chế phẩm hết sức độc đáo của y học cổ truyền. Việc dùng rượu thuốc để bồi bổ hoặc chữa bệnh đã có từ lâu. Tuy nhiên, vì những hiểu biết chưa đầy đủ nên không ít người đã sử dụng rượu thuốc một cách tuỳ tiện, khiến tác dụng bồi bổ chẳng thấy đâu đã thấy... bệnh.
Bổ chưa thấy đã thấy… bệnh
Thời gian gần đây, một số trường hợp ngộ độc nặng đã xảy ra do dùng thuốc được ngâm từ những loại động vật như một số loài rắn độc, bọ cạp và các sản phẩm từ gấu. Các bác sĩ đã phải lên tiếng cảnh báo vì sự lạm dụng rượu thuốc của không ít người.
Rượu thuốc được bào chế trên nguyên tắc sử dụng rượu làm dung môi để bào chế, ngâm tẩm những thảo dược và động vật nhằm chiết xuất ra những hoạt chất sinh học trong những dược thảo, động vật có tác dụng bồi bổ và chữa bệnh.
Không thể phủ nhận vai trò của rượu thuốc là một phương thức cải thiện sức khoẻ, tuy nhiên, do sự thiếu hiểu biết mà nhiều người sử dụng một cách bừa bãi hoặc theo cảm tính. Điều này dẫn đến tình trạng mà các bác sĩ gọi là ngộ độc rượu thuốc.
TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có những người đến nhà bạn chơi, thấy có chai rượu thuốc, lấy ra rót ngay một chén uống, nhưng lại là một sự nhầm lẫn vì chai rượu đó không phải là để uống mà dùng để xoa bóp.
Việc uống rượu thuốc vô tội vạ, không có chỉ định mà đã uống, dù chỉ một chén cũng đã có thể bị ngộ độc. Còn việc mời nhau “chén nhỏ, chén lớn” thì là đã quá liều.
TS. Phạm Duệ cho biết, tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp những bệnh nhân đến cấp cứu sau một trận uống quá đà như thế có những rối lạo nhịp tim, đã ngất đi, trụy tim mạch, phải nằm viện nhiều ngày may ra mới được cứu sống. Thậm chí, có những ca không kịp cứu.
Vì vậy, cần cảnh báo về hiện tượng hiện nay có rất nhiều người có xu hướng ưu chuộng sử dụng những sản phẩm từ động vật để dùng ngâm rượu uống, với mục đích bổ dương, tăng cường sinh lực.
Sử dụng rượu thuốc cũng cần có tư vấn của thầy thuốc
Theo lương y Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch hội Đông y Việt Nam cho biết, ông cũng rất bất ngờ, kinh hoàng với cách tự ý ngâm và sử dụng rượu thuốc như hiện nay của nhiều người.
Ví dụ như chuyện ngâm tay gấu còn để cả lông rồi dùng uống cho bổ dưỡng, hoặc như việc dùng nhung hươu, dù nhung hươu là một vị thuốc tốt, nhưng việc bỏ cả cặp nhung vào ngâm khi không làm lông, không rửa sạch, thì chỉ có nguy cơ nhiễm bệnh.
Hay việc ngâm rượu rắn, với rắn là loài bò sát tanh, có hàn mà lại ngâm uống, tuy chưa sinh bệnh ngay nhưng sau đó có thể sinh bệnh. Với rượu tắc kè, thì phải ngâm với những những chất dẫn xuất khác của dược vào thì sau đó mới tốt cho sức khỏe, chứ không phải cứ ngâm tắc kè là tốt. Việc ngâm dương vật của các con vật với rượu để uống cũng là trái với khoa học và trái với Đông y.
Để sử dụng đúng rượu thuốc, tránh những ngộ độc đối với sức khoẻ, theo các bác sĩ và lương y, người sử dụng thuốc cần tuân thủ một số nguyên tắc nhất định khi ngâm rượu.
Muốn ngâm rượu rắn phải có một bài thuốc đi cùng. Rắn có tính chất chống đau nhức xương khớp, nhưng muốn để chống đau phải có những vị khác để dẫn thuốc như: dùng cam thảo, cốt toái bổ, đỗ trọng… thì mới đưa thuốc vào được xương, khớp. Việc chỉ dùng rắn ngâm không thì không có tác dụng, càng gây viêm ruột.
Với những người bị tì hàn (hay đi ngoài lỏng) mà uống rượu rắn thì càng bị đi ngoài. Vì vậy, mọi người đừng tưởng uống rượu gì cũng được, cũng bổ. Và không phải ai cũng uống được rượu thuốc, ai cũng dùng rượu thuốc để chữa được bệnh.
Người sử dụng cần lưu ý, bất cứ một sản phẩm thuốc nào khi đưa vào cơ thể, dù là sản phẩm để bồi bổ thì cũng cần có sự khám và tư vấn của các thầy thuốc, bác sĩ có chuyên môn để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc