(VnMedia) - Thoái hóa khớp thường xảy ra ở người cao tuổi, nhưng gần đây người trẻ tuổi đặc biệt là dân văn phòng bị thoái hóa khớp có xu hướng gia tăng. Công việc bận rộn, lười vận động, chủ quan về sức khỏe...chính là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này.
Dân văn phòng dễ bị thoái hóa khớp vì ít vận động
Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn khớp gắn liền với quá trình lão hóa theo thời gian của cơ thể. Thoái hóa khớp còn được đẩy nhanh bởi nhiều yếu tố khác như: giữ một tư thế hay hành độOng lặp đi lặp lại, khiêng vác quá nặng, ngồi xổm, leo cầu thang hay leo dốc nhiều, chấn thương ở khớp, tình trạng béo phì…
Bệnh gây ra đau đớn, biến dạng chi khiến người bệnh cử động rất khó khăn, đôi khi không đi được, thậm chí gây tàn phế, làm giảm chất lượng sống của bệnh nhân và ảnh hưởng lớn đến cả người thân, gia đình.
Thời gian gần đây, số người ở độ tuổi lao động mắc phải các chứng bệnh về cơ xương khớp phải đến viện khám hoặc điều trị liên tục tăng cao. Tìm hiểu bệnh sử ghi nhận hầu hết trong số họ là những cán bộ, nhân viên văn phòng.
Tình trạng bệnh xảy ra nghiêm trọng ở phụ nữ ngoài 40 tuổi, công việc bắt buộc phải ngồi lâu, nhiều người ngồi với tư thế không phù hợp dẫn đến, đau thắt lưng, đau cơ gáy. Tuy nhiên nhiều người có tâm lý chủ quan để cơn đau kéo dài nên khi đến bệnh viện kiểm tra bệnh đã có diễn tiến nặng, với biểu hiện thường gặp là đau đầu, đau nửa đầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh.
Theo các bác sĩ chuyên khoa xương khớp, một trong những chứng bệnh hay gặp khác là hội chứng ống cổ tay ở những người làm việc liên tục trên máy tính. Các bệnh thường gặp ở những người này có liên quan đến viêm quanh khớp vai, đau vai gáy dẫn tới đau nửa đầu, đau cột sống thắt lưng, đau nhức khớp cổ tay… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ít vận động kèm theo môi trường làm việc liên tục phải ngồi trong phòng máy lạnh. Ở môi trường này nhiệt độ thấp có thể làm co mạch máu, hạn chế sự tuần hoàn của máu đến nuôi các mô.
Một số liệu pháp điều trị hiện nay như là dùng thuốc kháng viêm giảm đau (chỉ tác dụng nhất thời, không làm hồi phục sụn hư), tiêm tế bào gốc hay tiêm huyết tương giàu tiểu cầu lấy từ chính cơ thể bệnh nhân được hy vọng làm sụn khớp mọc trở lại và hồi phục mặt sụn, thay khớp...
Theo các chuyên gia, quá trình thoái hóa là điều không thể tránh khỏi theo thời gian. Nếu sự thoái hóa không gây đau các khớp thì không cần điều trị. Người bệnh cũng cần quan niệm rằng đây là hiện tượng tự nhiên và không nên lo lắng quá mức.
Khi gặp các triệu chứng đau nhức khớp, người bệnh cần đi khám để được bác sĩ tư vấn, tránh tự ý mua thuốc giảm đau cấp tốc. Bởi nhiều trường hợp, biểu hiện giống nhau nhưng kết luận bệnh lý khác nhau.
Để phòng ngừa thoái hóa khớp là xây dựng một chế độ sinh hoạt điều độ, thường xuyên tập thể thao, chế độ ăn cân bằng đầy đủ các chất… ngay từ khi chưa xuất hiện các dấu hiệu đau khớp.
Đối với người phải ngồi nhiều như giới văn phòng, cần nghỉ giải lao, thay đổi tư thế thường xuyên sau 1-2 giờ, nên tạo cho mình quỹ thời gian hợp lý như dậy sớm tập thể dục từ 15 đến 30 phút mỗi sáng, buổi trưa cũng nên vận động sau khi tan ca bằng một vài thế thể dực đơn giản từ 5 đến 10 phút.
Những khớp dễ bị thoái hóa
Khớp nào cũng có thể bị tổn thương thoái hóa nhưng thông thường nhất là thoái hóa khớp háng, khớp gối và khớp cột sống. Triệu chứng của của thoái hóa khớp là đau tại khớp bị thoái hóa và cứng khớp vào buổi sáng.
- Thoái hóa cột sống thắt lưng: Thoái hóa cột sống hay gặp từ đốt sống thắt lưng trở xuống, thường ảnh hưởng đến thần kinh tọa làm người bệnh có cảm giác đau từ lưng xuống.
- Thoái hóa cột sống cổ: Rất hay gặp ở người trên 40 tuổi. Biểu hiện chủ yếu bằng đau cơ hạn chế cử động cổ. Có thể gây biến chứng đau vùng cổ và tay do chèn ép hoặc kích thích rễ thần kinh khi khám thấy các cử động tại cổ đều bị hạn chế nhất là động tác nghiêng bên.
- Khớp gót chân: Bệnh nhân có cảm giác thốn ở gót vào buổi sáng mới ngủ dậy, khi đi những bước đầu tiên, sau vài chục mét thì giảm đau và đi đứng bình thường.
-Thoái hóa khớp gối: Ngoài triệu chứng đau có thể kèm theo tiếng lạo xạo khi co duỗi gối, đau nhiều hơn khi đi lại vận động; nhất là khi ngồi xổm thì đứng dậy rất khó khăn, nhiều khi phải có chỗ tựa mới đứng dậy được. Bệnh nặng sẽ thấy tê chân, biến dạng khớp gối.
Trong một số trường hợp màng hoạt dịch có thể bị viêm dày lên, khi ấn vào xương bánh chè đồng thời gấp chân lại, có thể gây đau nhói và một tiếng rắc. Đây cũng chính là biểu hiện chứng tỏ có tổn thường khớp đùi – bánh chè. Thoái hóa khớp gối thường có khuynh hướng nặng lên dần. Do đau nên ảnh hưởng nhiều đến mọi hoạt động.
Thoái hóa khớp háng: Người bệnh đi lại khó khăn do đau ngay từ đầu, vì khớp này gánh trọng lượng cơ thể nhiều nhất. Đau thường ở vùng bẹn và mặt trước trong của đùi. Cũng có khi đau vùng mông, mặt sau của đùi, dễ nhầm với đau dây thần kinh hông to. Đau xuất hiện khi đi, do đó hạn chế việc đi lại biểu hiện bằng việc đi khập khiễng. Nằm nghỉ thì hết đau, những trường hợp thoái hóa khớp nặng, đau cả ban đêm, lúc nghỉ và có thể gặp teo cơ đầu đùi. Bệnh không tự khỏi mà tiến triển từ từ có thể dẫn đến cứng khớp không hoàn toàn.
Ý kiến bạn đọc