Nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H5N1

22:10, 07/08/2012
|

(VnMedia) - Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2012, tuy dịch cúm A/H5N1 ở Việt Nam chưa ở mức báo động nhưng nguy cơ xảy ra và bùng phát trở lại là rất lớn.

Tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra ngày 7/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần cũng cho rằng, dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Thời tiết thuận lợi cho virus phát triển và sự buông lỏng kiểm soát vận chuyển gia cầm tại các tỉnh biên giới chính là nguyên nhân làm dịch cúm gia cầm có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Theo nhận định của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện nay dịch cúm gia cầm đã bắt đầu xuất hiện tại một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh Bắc Trung Bộ. Các ổ dịch xuất hiện nhỏ lẻ, rải rác, chủ yếu trên đàn thủy cầm tại các hộ gia đình.

Gần đây nhất, tại huyện An Lão, Hải Phòng đã xuất hiện cúm gia cầm khiến 3.110 con vịt mắc bệnh. Đây là một dấu hiệu cảnh báo không thể chủ quan, lơ là với cúm gia cầm.

Trong dòng các virut cúm, H5N1 là loại có hoạt động lây nhiễm lớn nhất do khi đã xâm nhập vào tế bào nó sẽ nhận biết được acid sialic alpha 2 và 3, hoạt chất có trên bề mặt tất cả các tế bào trong cơ thể gia cầm. Đây có thể xem là tính chất đặc trưng của virut cúm H5N1 vì nhiều loại virut cúm týp A khác không có tính chất này nên chỉ có thể lây lan và tác động trực tiếp trong phổi.  

Nhờ H5 và N1 phối hợp với nhau, virut có thể tự do di chuyển trong tất cả các mô của gia cầm, từ đó phá hủy hầu hết các cơ quan nội tạng của gia cầm như hệ hô hấp, tiêu hóa... làm con vật bị chết. Khác với các chủng loại gây bệnh cúm gia cầm thường gặp trước đây chỉ ảnh hưởng đến đàn gia cầm nuôi, hiện nay H5N1 có thể truyền sang người gây nên bệnh nghiêm trọng và có thể tử vong.

Chỉ trong tháng 2 và tháng 3 đầu năm nay, Việt Nam đã có 4 bệnh nhân cúm A/H5N1, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau để phòng ngừa cúm A/H5N1:

1. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời.

2. Không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

3. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc