Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế) trưa ngày 27/8 đã tiếp nhận mẫu vật bọ xít hút máu người để phục vụ nghiên cứu.
Trước đó, tối 26/8, chị Trần Thị Kim Cúc (ở tổ 42, khu vực 8, phường Hải Cảng, TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã bắt được một con bọ xít hút máu người bò giữa nhà.
“Đây là con bọ xít thứ hai tôi phát hiện và bắt được. Cách đây 2 năm, tôi cũng bắt được con bọ xít y như vậy bò giữa nhà”, chị Cúc cho biết.
Qua quan sát, con bọ xít mà chị Cúc bắt được giống hệt những con bọ xít hút máu người đã từng phát hiện ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM…
Con bọ xít có 3 đôi chân, vòi chích dài, cứng và nhọn, sau lớp cánh mỏng trên lưng có những vạch ngang màu vàng nâu, phần bụng dẹt và to.
Con bọ xít được phát hiện tại nhà chị Cúc |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Chương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Quy Nhơn: "Bọ xít hút máu người đã được phát hiện tại nhiều địa phương trong cả nước. Chúng tôi đã tiếp nhận và nghiên cứu nhiều loại bọ xít hút máu người từ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên gửi về.
Chúng tôi cũng đã tiếp nhận con bọ xít của chị Cúc để phục vụ nghiên cứu phân loại cụ thể, và xác định xem đây có phải loại gây mầm bệnh hay không".
Cách đây 2 năm, một phụ nữ ở Đà Nẵng sau khi ngủ dậy thấy trên tay có 5 - 6 vết đốt lớn nhỏ, 4 giờ sau những vết đốt này trở nên ngứa ngáy, đau rát và sưng to. Tìm trong màn không có muỗi nhưng chị thấy một con gì đó đen, to mà sau này chị mới biết nó là bọ xít hút máu người.
Tiến sĩ Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện khoa học và công nghệ Việt Nam cảnh báo: "Trên thế giới, đây là một loài rất nguy hiểm vì là một trong những loại trung gian gây bệnh Chaga’s, bệnh về máu... Người bệnh có thể tử vong vì tắc nghẽn mạch máu, rung tim..., với các triệu chứng ban đầu là mệt mỏi, ngủ nhiều".
Ý kiến bạn đọc