Sau cú ngã xe máy phải vào bệnh viện, khi trở về, bà đã khiến người nhà và láng giềng bất ngờ. Bao năm qua bà chỉ nói đặc sệt giọng Quảng Bình, vậy mà nay bà toàn nói bằng giọng... Bắc.
Theo gia đình bà Thảo, ngày 25/7 bà bị một người đi xe máy đụng nên ngã đập đầu xuống đường ngất xỉu rất lâu. Sau khi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh, bà được đưa vào chữa trị ở Bệnh viện T.Ư Huế và về nhà từ ngày 7/8.
Hiện bà vẫn luôn ở trong trạng thái đầu óc chòng chành, đau đầu ngây ngất... Bà T. cho biết không thấy có gì khác biệt hoặc khó nói hơn khi nói bằng giọng Bắc thay giọng địa phương.
Ông Trần Đình Lâm, anh chồng bà Thảo, cho biết đến độ bà không còn gọi cái chén (dùng ăn cơm, theo cách gọi của người Quảng Bình) như trước mà gọi sang là cái bát (theo cách gọi của người Bắc).
TS. BS. Nguyễn Chánh - nguyên chủ nhiệm bộ môn ngoại dã chiến Bệnh viện Quân y 103 - cho rằng bà T. có thể do bị tai nạn nên khiến một vùng não thay đổi, tạo ra sự giao tiếp nhạy cảm và giao tiếp ngôn ngữ nhanh từ vùng não gây nên.
Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) Nguyễn Minh Tuấn cũng cho hay hiện tượng như bệnh nhân N.T.T. gặp phải được coi là trạng thái rối loạn phân ly (hay còn gọi là nhân cách đôi), cùng lúc người bệnh sống bằng hai con người song song. Tình trạng này có thể gặp sau chấn thương, sau stress.
Theo bác sĩ Tuấn, trước đây có những trường hợp sau chấn thương, stress, bệnh nhân đã nói sang tiếng nước ngoài! Đây không phải là hậu quả của chấn thương sọ não mà là hậu quả của những sang chấn thần kinh. Bệnh này có thể chữa được khi người bệnh đến gặp bác sĩ thần kinh.
Còn bác sĩ Bùi Đức Phú, giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, khẳng định đây là một hiện tượng bình thường vì đã có những trường hợp tương tự.
Ngoài ra, có bác sĩ còn cho biết, ngôn ngữ là chức năng rất quan trọng của bộ não con người, tuy nhiên, một số bệnh nhân, đặc biệt là sau đột quỵ não thường rối loạn ngôn ngữ.
Theo GS. Nguyễn Văn Chương, rối loạn ngôn ngữ càng nặng nề thì càng ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi chức năng và quá trình điều trị dự phòng của bệnh nhân.
Đa phần bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ ngay từ ngày thứ 1 và thứ 2 sau khi đột quỵ não xảy ra. Các triệu chứng tổn thương khu trú hay gặp là liệt nửa người, rối loạn cảm giác nửa người, tổn thương dây thần kinh số 7...
Tuổi đột quỵ càng cao thì rối loạn ngôn ngữ càng lớn, trong đó rối loạn ngôn ngữ diễn đạt chiếm tỷ lệ cao nhất.
Bác sĩ hoặc người nhà phát hiện được khi cho nói tự nhiên hoặc tự viết các câu văn mô tả, khả năng hiểu từ, hiểu câu và khả năng định danh người, vật, sự suy giảm khả năng tự diễn đạt làm năng lực giao tiếp của người bệnh kém đi rất nhiều.
Những rối loạn ngôn ngữ đòi hỏi một chương trình phục hồi chức năng chuyên sâu, cầu kỳ, có sự hợp tác của người nhà bệnh nhân và bác sĩ.
Đối với người bệnh và người nhà khi bị rối loạn ngôn ngữ cần cố gắng luyện tập bằng cách, người nhà nên dạy bệnh nhân nói, đọc từ từ, bắt đầu từ những vật, dụng cụ và tên người quen thuộc, luôn động viên, lắng nghe và giúp đỡ người bệnh.
(Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc