(VnMedia) - Ngày 2/8, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội Hoàng Diệu Hiền cho biết Chi cục xây dựng đề án tầm soát phát hiện sớm các tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của thành phố, giai đoạn 2011-2015, với tổng kinh phí dự kiến trên 100 tỷ đồng trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt.
Theo đó, trong tổng số kinh phí trên, có khoảng 70 tỷ đồng để xây dựng trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Còn 30 tỷ đồng còn lại sẽ chi cho các hoạt động truyền thông, đào tạo, tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế hoạt động trong lĩnh vực của đề án; đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ sàng lọc, chẩn đoán và quản lý, giám sát thực hiện đề án. Đề án nhằm đẩy mạnh hoạt động sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, từng bước kiểm soát và hạ thấp tỷ lệ dị tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng đân số Thủ đô.
Trong năm 2012, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động và tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh trong nhân dân; đặc biệt là các cặp vợ chồng đang và sẽ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ, thành viên trong gia đình, lãnh đạo cơ quan và người có uy tín trong cộng đồng. 100% các bệnh viện tuyến quận, huyện và bệnh viện thành phố, trạm y tế các xã đã triển khai hoạt động cung cấp dịch vụ siêu âm sàng lọc trước sinh.
Bên cạnh đó, việc lấy máu xét nghiệm được thực hiện tại 100% bệnh viện tuyến quận, huyện, một số bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn, bệnh viện thành phố và mở rộng thực hiện tại các trạm y tế xã, phường. Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2015, 90% số phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh được tuyên truyền tư vấn và được sàng lọc.
Năm 2011, Hà Nội đã có 105.176 thai phụ được siêu âm, sàng lọc trước sinh, chiếm 85% tổng số phụ nữ mang thai trên địa bàn, cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu Trung ương giao. Trong đó phát hiện nghi ngờ bất thường 1.236 trường hợp, chiếm 11,7%; đình chỉ thai nghén 79 trường hợp, chiếm 0,75% tổng số thai phụ được sàng lọc. Ngoài ra còn lấy mẫu gót chân sàng lọc sơ sinh được 24.079 mẫu, tăng 270% so với năm 2010.
Sàng lọc trước sinh "Nâng cao chất lượng giống nòi"
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 140 triệu trẻ sinh ra và có khoảng 05 triệu trẻ sơ sinh tử vong trong 01 tháng đầu ở các nước đang phát triển. Nguyên nhân có rất nhiều nhưng trong số đó có nguyên nhân do dị tật bẩm sinh, rối loạn di truyền và rối loạn chuyển hóa.
Khi có sàng lọc trước sinh và sơ sinh chúng ta sẽ phát hiện những bệnh lý của bào thai ở giai đoạn sớm, đưa ra những hướng xử trí kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh, giảm tỷ lệ trẻ chậm phát triển tâm thần và thể chất, giảm gánh nặng cho xã hội, cho ra đời những công dân khỏe mạnh là nền tảng cho sự phát triển quốc gia.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ dị tật bẩm sinh rất lớn với khoảng 17% thai phụ có vấn đề bất thường về thai sản. Việc sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh là biện pháp hữu hiệu nhất giúp gia đình và xã hội có những đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh.
TS. Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, các dị tật bẩm sinh thường gặp nhất là hội chứng down, não úng thủy, thoát vị cột sống, thai vô sọ…
Đáng nói, những dị tật này thường không thấy di truyền, do đó nếu thai phụ không được sàng lọc trước sinh thì rất khó phát hiện và kết quả là sinh ra những đứa trẻ dị dạng, dị tật. Sàng lọc trước sinh kết hợp với sàng lọc sơ sinh giúp loại bỏ được 95% những ca bất thường. Chẳng hạn với hội chứng down, đây là một hội chứng bất thường bẩm sinh có tỷ lệ mắc khá cao trong cộng đồng (1/700 trẻ đẻ sống) và có thể phát hiện được trước khi trẻ ra đời.
TS. Lê Anh Tuấn khuyến cáo, các sản phụ, nhất là những sản phụ có nguy cơ cao (tiền sử sinh nở, đã cao tuổi…) cần phải chủ động đi sàng lọc trước sinh sớm. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có hành lang pháp lý chặt chẽ quy định về việc đình chỉ thai nhi bất thường, để tránh gây ra những tình huống đau lòng và khó can thiệp, giải quyết.
Ý kiến bạn đọc