Chỉ bán thịt động vật trong 8 giờ sau mổ

14:48, 08/08/2012
|

(VnMedia) - Để hạn chế tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Thông tư quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm.

Theo đó,  thịt và phụ phẩm (toàn bộ đầu, đuôi, chân, da, mỡ và phủ tạng ăn được của động vật) được bày bán phải có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y và có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định, không được dùng hóa chất để bảo quản thịt và phụ phẩm tươi sống.

Thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ. Đối với trường hợp được bảo quản ở nhiệt độ từ 0-5 độ C thì chỉ được bày bán trong vòng 72 giờ từ khi giết mổ.

Đối với phụ phẩm là dạ dày, ruột non và ruột già bảo quản ở nhiệt độ từ 0-5 độ C chỉ được bày bán trong vòng 24 giờ kể từ khi giết mổ.

Cùng với đó, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thịt và phụ phẩm phải được sản xuất từ vật liệu an toàn, không thôi nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ, bảo đảm chất lượng của thịt và phụ phẩm trong thời hạn sử dụng, phải đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Đối với chủ, người làm việc tại cơ sở kinh doanh thịt, phụ phẩm phải có giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và giấy xác nhận đủ sức khỏe do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp. Những người mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da không được pha lọc, bán hàng và bốc dỡ thịt và phụ phẩm.

Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống có đăng ký kinh doanh và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 3/9/2012.

Chế tài xử lý chưa đủ mạnh

Thông tư vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn ban hành quy định đầy đủ về điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chế tài xử lý các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm chủ yếu là xử lý vi phạm hành chính nên có đối tượng sau khi bị xử lý lại tái phạm.

Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm, các ngành chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp quản lý việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, tịch thu, tiêu huỷ thực phẩm không rõ nguồn gốc tại các chợ để người kinh doanh lấy hàng từ các cơ sở giết mổ đủ điều kiện; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ khi sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Đồng thời, Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động và phòng, chống dịch động vật tỉnh phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường hơn nữa công tác kiểm dịch động vật, kịp thời ngăn chặn thực phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc đưa vào địa bàn.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để lựa chọn thực phẩm an toàn trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng cần phân biệt được những sản phẩm có thể sử dụng phụ gia để xem kỹ khi mua (chất phụ gia làm cho thịt gà, vịt vàng bóng; làm trắng thịt trâu, bò…); chỉ nên mua những sản phẩm có tên, địa chỉ, chỉ tiêu chất lượng rõ ràng, hạn sử dụng bảo đảm, đủ điều kiện kinh doanh vì sản phẩm tốt nếu bảo quản, bày bán ở nơi không đủ điều kiện sẽ bị giảm chất lượng, có nguy cơ nhiễm khuẩn chéo; định kỳ vệ sinh tủ lạnh, bếp ăn bảo đảm vệ sinh chế biến, bảo quản thực phẩm khi mang về nhà, thực hiện đúng "ăn chín, uống sôi".


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc