(VnMedia) - Ngày 10/8, Theo tin từ Cục Y tế dự phòng, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 26.200 ca sốt xuất huyết, tăng 40% so với năm 2011, trong đó có 30 ca tử vong.
Sốt xuất huyết (SXH) tăng nhanh từ tháng 5 và kéo dài đến khoảng tháng 11. Theo quy luật, đỉnh dịch thường rơi vào từ tháng 7 - 9 hằng năm. Riêng tháng 6/2012, cả nước ghi nhận gần 8.000 ca SXH. Trong tổng số mắc SXH 6 tháng đầu năm 2012, trẻ dưới 15 tuổi chiếm 55% (hơn 4.300 trường hợp). Đây cũng là độ tuổi có tỉ lệ tử vong do SXH cao nhất (chiếm 66,7%).
Thống kê cho thấy, hiện nay, phần lớn số mắc sốt xuất huyết vẫn tập trung ở các tỉnh phía Nam (chiếm gần 90%). Địa phương có số mắc sốt xuất huyết tăng cao nhất là Kiên Giang, tiếp đến là Bà Rịa Vũng Tàu, Đắk Nông. So với cùng kỳ năm ngoái Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau… là những địa phương có số mắc sốt xuất huyết giảm từ 20- 50%, tuy nhiên số ca mắc ghi nhận vẫn ở mức cao. So với các vùng miền, tỉ lệ mắc SXH ở miền Bắc giảm tới 42%, đến thời điểm này miền Bắc mới chỉ ghi nhận khoảng hơn 400 ca mắc.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, không phải số mắc thấp mà người dân chủ quan với dịch. Theo thông lệ, SXH ở miền Bắc thường đến muộn hơn, khoảng tháng 9 - tháng 10 là mùa mưa, điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và gây dịch.
Nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh sốt xuất huyết là do bệnh chưa có vắcxin và thuốc điều trị đặc hiệu. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp khiến cho mật độ muỗi phát sinh nhiều làm bệnh lây lan nhanh hơn.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết hiệu quả thì người dân cần thực hiện các biện pháp dự phòng, đặc biệt là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy để giảm tác nhân truyền bệnh là rất quan trọng.
Để tránh bị muỗi đốt, truyền bệnh sốt xuất huyết, từng cá nhân, hộ gia đình cần ngủ màn (kể cả ban ngày), mặc quần áo dài tay.
PGS-TS Nguyễn Trần Hiển khuyến cáo người dân cần hợp tác với cán bộ y tế trong phòng chống SXH. Không nên tự ý mua hoặc thuê người phun hóa chất diệt muỗi. Phun hóa chất nào, nồng độ bao nhiêu để có tác dụng diệt muỗi nhưng không làm tăng khả năng kháng thuốc của muỗi phải do cơ quan y tế dự phòng địa phương quyết định. Trên thực tế, có những loại hóa chất có tác dụng diệt muỗi ở khu vực này nhưng lại không hiệu quả ở khu vực khác.
Các triệu chứng biểu hiện bệnh SXH:
Sau khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh cắn, người bệnh sẽ có thời kỳ ủ bệnh khoảng 5 ngày, sau đó mới phát bệnh với những triệu chứng sau:
- Sốt cao đột ngột, liên tục từ 39 - 40 độ trong 2 - 7 ngày liền
- Xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm chỗ chích, chảy máu cam, ói ra máu
- Chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau bụng
- Các dấu hiệu của sốc: Mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm, kẹp hoặc không đo được, chi lạnh, bứt rứt…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết chia làm 4 cấp độ.
- Độ I: Người bệnh chỉ sốt, chưa có triệu chứng xuất huyết.
- Độ II: Người bệnh sốt có kèm theo triệu chứng xuất huyết.
- Độ III: Người bệnh bắt đầu có dấu hiệu sốc: Người bứt rứt, chân tay lạnh, mạch nhanh nhỏ, hạ huyết áp; huyết áp kẹt, kèm theo các triệu chứng như da lạnh, ẩm, bứt rứt hoặc vật vã li bì.
- Độ IV: Sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được (HA = 0).
Trẻ sốt xuất huyết độ I có thể điều trị tại nhà theo đơn. Với độ II, tùy trường hợp, trẻ có thể điều trị tại nhà có theo dõi chặt chẽ hoặc nhập viện nếu xét thấy cần thiết.
Những trường hợp độ III và độ IV nhất thiết phải nhập viện ngay để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng, tử vong.
Chú ý khi chăm sóc bệnh nhân tại nhà
Khi có biểu hiện bị bệnh SXH cần phải theo dõi và đến bệnh viện khám ngay. Trường hợp bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể chăm sóc tại nhà nhưng cần chú ý:
- Nghỉ ngơi, tránh hoạt động nhiều.
- Uống nhiều nước (nước sôi để nguội, nước Oresol, nước chanh, cam vắt).
- Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Tránh thức ăn, uống có màu đen, đỏ, nâu (ói mửa sẽ dễ nhầm lẫn là máu).
- Hạ sốt với thuốc Paracetamol, lau mát người.
Ngoài ra, khi bị bệnh nên tránh dùng Aspirin để hạ sốt, cạo gió, kiêng cữ ăn uống. Nên cho trẻ nhập viện ngay nếu trong quá trình theo dõi trẻ có một trong các dấu hiệu sau: Sốt quá cao/xuất huyết lan rộng, chảy máu cam, chảy máu chân răng/ tay, chân lạnh/trẻ đang tỉnh táo bỗng trở nên lừ đừ, có khi vật vã/đau bụng dữ dội/da trẻ đổi màu, trở nên bầm bầm, môi xám lại/trẻ tiểu ít hẳn hoặc không tiểu nhưng rất khát.
Biện pháp phòng ngừa bệnh SXH
Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy (lăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, theo nguyên tắc: Không lăng quăng, không muỗi, sẽ không có sốt xuất huyết.
- Không tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản, diệt lăng quăng: Dọn vệ sinh sạch sẽ quanh nhà, không để nước tù đọng trong các bể chứa, lu, chai lọ.
- Bảo vệ tránh không bị muỗi đốt: Ngủ màn ban ngày, mặc quần áo dài tay, không cho trẻ chơi ở những chỗ tối.
- Đuổi muỗi (đốt nhang muỗi, xịt muỗi), dùng kem thoa chống muỗi.
- Dọn dẹp những chỗ muỗi thích đậu, nghỉ như dây treo, quần áo, chỗ tối.
- Khi cắm trại, sinh hoạt ngoài trời hoặc vào mùa dịch cần mang theo các chai xịt chống, xua đuổi muỗi, nhất là đối với trẻ em, người có tiền sử dị ứng nặng.
Ý kiến bạn đọc