15h ngày 10/7 vừa qua, Bệnh viện (BV) Đa khoa Lâm Đồng tiếp nhận một bệnh nhân là anh Cil Ha Toàn, 40 tuổi, người dân tộc Mạ, cư ngụ ở xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Lúc vào viện, anh Toàn không đi được, phải có người đỡ mà nguyên nhân là hai bàn chân anh tím đen, bốc mùi hôi tanh rất khó chịu.
Theo chẩn đoán ban đầu của các bác sĩ tại BV Đa khoa Lâm Đồng, anh Toàn bị hoại tử hai bàn chân mà nguyên nhân nghi ngờ là do viêm tắc mạch máu ở cả hai bên. Vì thế, BV Đa khoa Lâm Đồng đã làm thủ tục đưa anh Toàn xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM điều trị. Tuy nhiên, vì không có tiền nên hiện tại, anh Toàn vẫn nằm tại BV Đa khoa Lâm Đồng.
Sư cô Diệu Linh, chùa Linh Tông Tịnh Thất, người đang trực tiếp săn sóc anh Toàn, cho biết vì nhận thức kém nên vợ chồng anh Toàn nhiều lần định trốn viện vì sợ bác sĩ cắt chân, chết không toàn thây. Do đó, sư cô Diệu Linh phải ngày đêm túc trực, động viên anh Toàn yên tâm chữa bệnh.
Theo các chuyên gia về thần kinh, mạch máu, một số người - nhất là những người bị bệnh tiểu đường hoặc hút thuốc lá lâu năm, thường hay bị rối loạn vận mạch ở tay, chân. Các động mạch nhỏ co lại gây thiếu máu cung cấp cho các tổ chức. Những cơn co thắt động mạch diễn ra bắt đầu ở một bên, sau sang bên kia nhưng cũng có trường hợp chỉ ở một bên.
Hai bàn chân anh Toàn bị hoại tử do thiếu máu nuôi. |
Thoạt đầu, do thiếu máu nuôi, một hoặc nhiều ngón tay, ngón chân tự nhiên trắng vàng, cứng, lạnh. Hiện tượng ấy lan dần lên gốc chi, dẫn đến cảm giác kiến bò, đau buốt. Sau đó, các ngón tay hoặc ngón chân dần dần xanh tím, có khi thành đen, cảm giác đau tăng lên dữ dội.
Khởi sự, hiện tượng thiếu máu nuôi xảy ra vài tuần hoặc vài tháng một lần nhưng về sau, nó càng lúc càng nặng hơn, kéo dài hơn, dẫn đến rối loạn dinh dưỡng chi. Hậu quả là đầu chi thâm đen, giới hạn rõ, khu trú xung quanh móng và dưới móng; xuất hiện những bọng nước nhỏ chứa mủ, khi vỡ ra để lại vết trợt. Bọng nước có thể khô, không loét hoặc nếu loét thì có thể khỏi nhưng cũng có thể dai dẳng ở các đầu chi - nhất là với bệnh nhân tiểu đường. Hoại tử đầu chi tiến triển nhanh, gây mất một đốt hoặc cả ngón, nhiều ngón.
Theo bác sĩ Trần Minh Bảo Luân, Phòng khám Lồng ngực - Mạch máu, BV Đại học Y dược TP HCM, thì: "Viêm tắc động mạch là bệnh lý khá phổ biến. Nhưng ở giai đoạn sớm thường khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với bệnh khác như đau xương khớp, đau cơ hay thần kinh ngoại vi. Đa số bệnh nhân khi vào bệnh viện thì bệnh đã ở giai đoạn trễ - nghĩa là đầu chi đã hoại tử nên tỉ lệ phải cắt cụt chi khá cao. Vì vậy, việc phát hiện bệnh sớm rất quan trọng".
Nguyên nhân hàng đầu của viêm tắc động mạch là do xơ vữa động mạch. Ngoài ra tiểu đường, hút thuốc lá cũng là một trong các yếu tố thuận lợi dẫn đến bệnh này. Ở giai đoạn đầu tiên, người bệnh thường có cảm giác đau nhức, dị cảm, tê đầu chi và đặc biệt là triệu chứng "đi lặc cách hồi" - nghĩa là đau chân khi đi một đoạn đường nhất định.
Cơn đau thường xuất hiện ở bắp chân rồi lan xuống bàn chân, bệnh nhân phải dừng lại nghỉ một chút mới có thể đi tiếp. Sau đó, cơn đau lại trở lại khi bệnh nhân đi thêm được đoạn đường như ban đầu. Càng về sau, đoạn đường đi được càng ngắn.
Bác sĩ Bảo Luân, cho biết tiếp: "Giai đoạn trễ hơn, cơn đau xảy ra ngay cả lúc nghỉ, thường đau về đêm, bệnh nhân phải thõng chân xuống mới thấy dễ chịu"...
Nếu không điều trị, bệnh chuyển sang giai đoạn muộn. Các đầu chi bắt đầu tím dần và hoại tử đen. Ban đầu, hiện tượng hoại tử xảy ra ở đầu các ngón tay hay ngón chân. Sau đó, hoại tử lan dần lên cả ngón tay, ngón chân hay cả bàn tay, bàn chân…
Theo các chuyên gia về thần kinh, mạch máu, để chữa trị, bác sĩ sẽ tiến hành cắt hạch giao cảm ngực trong trường hợp viêm tắc mạch máu nhỏ ở chi trên, cắt hạch giao cảm thắt lưng nếu viêm tắc mạch máu nhỏ ở chi dưới.
Trường hợp mạch máu bị tắc hoàn toàn trên một đoạn dài, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp "mổ bắc cầu" bằng cách dẫn máu qua chỗ mạch máu bị tắc bằng một đoạn mạch máu nhân tạo, hoặc bằng một đoạn tĩnh mạch được lấy ra từ chính cơ thể bệnh nhân. Riêng cắt cụt chi thường được thực hiện khi bệnh ở giai đoạn muộn, các đầu chi hay toàn bộ chi đã bị hoại tử hoàn toàn do thiếu máu nuôi trong một thời gian dài.
Hiện tại, anh Toàn đã được BV Đa khoa Lâm đồng rửa sạch, băng bó phần chân bị hoại tử. Khi nghe tin anh Toàn mắc bệnh, phải chuyển về BV Chợ Rẫy TP.HCM, anh Nguyễn Đình Rốt, nhà ở số 7/8, đường Hải Thượng Lãn Ông, TP Đà Lạt đã đến động viên đồng thời hỗ trợ 4 triệu đồng để anh Toàn có thêm điều kiện chữa trị vì khả năng anh Toàn phải cắt bỏ phần chân hoại tử là điều có thể xảy ra.
Cũng cần nói thêm rằng hoại tử chi không chỉ xảy ra với người mắc bệnh tiểu đường, hút thuốc lá, mà nó còn có ở người bị bệnh gút, chưa kể nhiều trường hợp hoại tử do người ta tự gây ra.
Cuối tháng 6 vừa qua, một bé gái 6 tuổi tên Th., ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM được gia đình đưa vào BV Nhi Đồng 2 trong tình trạng hoại tử đầu ngón tay trỏ của bàn tay trái. Người nhà của cháu Th. cho biết trước đó, cháu nghịch ngợm bằng cách quấn sợi dây thun thành chiếc nhẫn rồi đeo vào ngón tay trỏ. Do không ai để ý, chỉ sau một tuần, ngón tay từ chỗ thắt dây thun trở lên bầm tím, đầu ngón tay tím đen.
BS Lê Văn Tùng - Trưởng khoa Phỏng và Chỉnh hình, BV Nhi Đồng 2 cho biết, nguyên nhân hoại tử là do sợi dây thun thắt quá chặt, dẫn đến máu không lưu thông đủ để nuôi ngón tay.
Ý kiến bạn đọc