(VnMedia) - Từ 1/8, sẽ có nhiều tỉnh, thành và bệnh viện Trung ương áp dụng viện phí mới. Theo khung giá mới, một số dịch vụ y tế tại các tỉnh tăng cao hàng chục lần, riêng Khánh Hòa đề xuất mức giá cao ngất ngưởng.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, từ 1/8, sẽ có nhiều tỉnh, thành phố áp dụng giá viện phí mới. Trong đó, 3 tỉnh có tỷ lệ tăng viện phí khá cao so với mức khung do liên Bộ Y tế - Tài chính quy định là Khánh Hòa, Đồng Tháp và Ninh Thuận.
Khánh Hòa đòi giá cao "ngất ngưởng"
Ông Sơn cũng cho biết, trong khi mức tăng viện phí của các cơ sở y tế tại thành phố thuộc trung ương chỉ khoảng 75% mức khung do liên Bộ Y tế - Tài chính quy định thì các tỉnh nghèo, miền núi, tỷ lệ dân đóng BHYT thấp lại rất cao. Các tỉnh Duyên hải miền Trung đề xuất mức 86% trong đó Quảng Ngãi chỉ có 67%, Hà Tĩnh và Quảng Bình là 74%, riêng Khánh Hòa lại “nổi bật” với khung giá cao ngất ngưởng (95% mức khung).
Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét điều chỉnh tăng viện phí theo hướng phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội địa phương và khả năng cân đối quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Theo ông Sơn, việc các tỉnh nghèo ở miền núi muốn nâng mức dịch vụ y tế lên cao là để tăng nguồn thu cho bệnh viện hoặc tận dụng hết nguồn quỹ BHYT tại địa phương. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng “đau đầu” với việc nhiều tỉnh, thành phố áp dụng “chiêu” tăng viện phí tối đa cho những dịch vụ có tần suất sử dụng cao (như tiền khám bệnh, ngày giường điều trị, các dịch vụ xét nghiệm cận lâm sàng thông thường…), còn những dịch vụ y tế mà người bệnh ít sử dụng lại áp mức tăng rất thấp, dễ “đánh lừa” là có tổng mức tăng viện phí chung không cao.
Đến nay một số tỉnh, thành phố dù đã xây dựng xong khung viện phí mới nhưng HĐND quyết định chưa xem xét phê duyệt ngay mà lùi đến tháng 12/2012. Điển hình là Hà Nội, hiện đã xây dựng viện phí mới là 73% khung tối đa nhưng HĐND chưa thông qua mà yêu cầu xây dựng lại lộ trình thực hiện giá dịch vụ y tế mới đến năm 2015 cho phù hợp. Tại TPHCM, Đà Nẵng, Bình Thuận, Tây Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên - Huế, viện phí mới cũng chưa được thực hiện trong thời điểm này.
Các bệnh viện đã tính đúng, tính đủ
Liên quan đến thông tin nhiều tỉnh nghèo đề xuất viện phí cao chiếm tới 90 - 95% khung giá dịch vụ mà Bộ Y tế ban hành, ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) khẳng định, các bệnh viện làm đúng luật. Các bệnh viện được phép tính phí kịch trần nếu như tính đúng, tính đủ chứ không phụ thuộc vào việc bệnh viện Trung ương hay bệnh viện tỉnh.
Theo ông Liên, thực tế, giá viện phí mới được xây dựng từ năm 2011, lấy giá đầu thầu từ năm 2010, các bệnh viện áp theo định mức giá này cũng đã lạc hậu. Hơn nữa ở các tỉnh nghèo, giá không phải cao hay thấp mà tùy thuộc vào cơ cấu giá. Mức giá tính rất chi tiết, bệnh viện không thu vượt mức là đúng luật và cũng không phải có lãi.
Mới đây 5 bệnh viện tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế gồm: bệnh viện Bạch Mai, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, bệnh viện K, bệnh viện Việt Đức và bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) được phê duyệt giá viện phí mới, với mức tăng trung bình là 95%.
Đến nay đã có 22/38 cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế gửi khung đề xuất giá về Bộ. Trong đó, các bệnh viện hạng đặc biệt đề xuất 90 - 95% khung giá, bệnh viện hạng 2 đề xuất 90% khung giá. Bệnh viện hạng đặc biệt đề xuất 90 - 95%.
Ông Liên cho biết, trong quý ba năm nay, hầu hết các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ đưa viện phí mới vào áp dụng và dự kiến sau khi thực hiện 6 tháng, Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện xem mức giá có phù hợp với thực tế khám chữa bệnh.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc