Sinh mổ, trẻ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

15:07, 30/07/2012
|

(VnMedia) - Cuộc sống hiện đại, sinh nở bằng phương pháp mổ ngày càng trở nên phổ biến và cùng với đó tỷ lệ trẻ em bị tiểu đường cũng tăng theo.

Các nhà khoa học tại Newfoundland và Labrador (Canada) tìm hiểu các trường hợp mắc bệnh tiểu đường loại 1 từ năm 1987. Kết quả cho thấy, trẻ sinh mổ có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường loại 1 so với trẻ sinh bình thường.

Theo các nhà khoa học thì chính điều kiện vô khuẩn khi sinh mổ đã làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột và cả hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh. Bởi thông thường trong quá trình chuyển dạ, trẻ được tiếp xúc đầu tiên với vi khuẩn âm đạo, vi khuẩn trong phân mẹ từ đó hình thành ngay nền móng vững chắc cho các vi khuẩn có lợi khu trú tự nhiên ở đường ruột. 

Đối với trường hợp vô khuẩn như sinh mổ thì để có được các loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột như Bifidobacteria, Probiotic khu trú tại ruột, trẻ sinh mổ cần rất nhiều thời gian mới tạo lập được. Theo ước tính của các nhà khoa học nhi khoa Thuỵ Điển thì phải mất đến 6 tháng sau hệ vi sinh đường ruột ở trẻ sinh mổ mới đuổi kịp trẻ sinh thường vừa lọt lòng.

Việc được tiếp xúc với các vi khuẩn trong đường âm đạo và trong ruột còn tạo ra một kinh nghiệm đầu đời cho hệ miễn dịch, giúp bé sơ sinh có thể nhận ra và đấu tranh lại với những tác nhân gây bệnh. Trẻ sinh mổ không có cơ hội này nên cơ thể chúng khó tìm được sự thích ứng khi sống ở môi trường có nhiều vi khuẩn. Và Probiotic là vi khuẩn có khả năng chống nhiễm trùng, tăng cường hệ miễn dịch nên nó còn chính là hàng rào ngăn ngừa bệnh tật và lây nhiễm.

Trong cuộc sống hiện đại, những đứa trẻ là con của các bà mẹ lớn tuổi hoặc bà mẹ chọn phương pháp sinh mổ sẽ có nguy cơ bị bệnh tiểu đường lớn hơn.

Ngoài ra, một số yếu tố môi trường khác cũng làm xu hướng mắc tiểu đường tuýp 1 tăng như trẻ quá được giữ gìn, ít được “cọ sát” với các siêu vi. “Tiểu đường tuýp 1 có liên quan rất chặt chẽ với sự phát triển của hệ miễn dịch, khi hệ miễn dịch quá “nhạy”, cơ thể sẽ tự ngừng sản xuất insulin như một cách phòng vệ. 

Theo các chuyên gia y tế, sự gia tăng nguy cơ ở trẻ là đáng báo động, nếu chúng ta không thể tác động tới gen thì cần phải tác động tới môi trường để làm giảm tỉ lệ này. Một trong những tác động đó là hạn chế sinh mổ, không để trẻ quá tăng cân quá nhanh hay không tăng cân trong một thời gian dài...


Diệu Linh - (theo Health)

Ý kiến bạn đọc