(VnMedia) - Tiện lợi và ngon miệng, mỳ ăn liền đã trở thành một phần của lối sống hiện đại nhưng kèm theo nó là các vấn đề về sức khỏe như suy dinh dưỡng, các bệnh mãn tính...
Chiều 30/7, tại Hội thảo "Mì ăn liền với cuộc sống tiêu dùng hiện đại”, PGS TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết, mì ăn liền là thức ăn rẻ và tiện lợi trong đời sống công nghiệp với thành phần chứa nhiều chất béo bão hòa, chất bột, nhiều muối nhưng ít chất xơ. Đáng chú ý, mì ăn liền có thành phần chất béo (Shotrerning) từ 15-20%, chủ yếu là dạng axit béo no (axit béo bão hòa) là loại chất béo khó tiêu hóa. Ngoài ra, mì ăn liền còn có chất béo dạng trans (Trans fat) và rất có thể là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các bệnh mãn tính.
Theo PGS TS Nguyễn Thị Lâm, hiện tại nhiều sản phẩm mì ăn liền ở Việt Nam được sản xuất theo công nghệ chiên, rán nên khi ở nhiệt độ cao, dầu dễ bị oxy hóa. Do vậy, nếu dầu được dùng chiên đi chiên lại nhiều lần làm gia tăng các chất béo dạng Trans fat. Như vậy, khi sử dụng mì ăn liền có chất béo dạng Trans sẽ gây tăng mức cholesterol xấu trong máu, dẫn đến tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch. Vì thế, tại nước ngoài trên nhãn sản phẩm mì ăn liền đều ghi rất đầy đủ thành phần dinh dưỡng và axit béo bão hòa, axit béo dạng Trans, nếu trên nhãn ghi Trans fat (0-2 gam) người tiêu dùng sẽ yên tâm sử dụng. Ngoài ra, trong gói gia vị chứa nhiều chất phụ gia có tác dụng làm ngon miệng nhưng gây ra cay nóng, gây bất lợi cho người cao huyết áp hoặc có thân nhiệt cao.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mức tiêu thụ mì ăn liền khoảng 1-3 gói/người/tuần. Mặt khác, người tiêu dùng cũng cần có kiến thức khi chọn những sản phẩm uy tín có chất lượng và cân bằng giá trị dinh dưỡng của mì ăn liền bằng cách ăn kèm với các loại thức ăn chứa đạm, rau xanh để đảm bảo sức khỏe, đặc biệt không ăn quá 3g chất béo dạng Trans fat/ngày...
Tác hại của mì ăn liền
Thiếu dinh dưỡng: Mì ăn liền chỉ chứa nhiều năng lượng chủ yếu từ chất béo và tinh bột. Dùng nhiều mì ăn liền không những khiến bạn có nguy cơ bị mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu chất xơ, vitamin, chất đạm, khoáng chất… mà lại còn có nguy cơ béo bụng do tiêu thụ quá nhiều tinh bột.
Bệnh tim mạch: Thường xuyên dùng mì ăn liền, bạn có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, đột quỵ cao hơn bình thường.
Hại thận, gây loãng xương: Mì ăn liền thường được ướp rất nhiều muối, nên khi ăn, bạn đã vô tình làm hại thận, thậm chí dùng nhiều có thể gây sỏi thận. Ngoài ra, mì ăn liền cũng chứa đầy phosphate, một chất giúp cải thiện mùi vị thức ăn. Tuy giúp bạn ngon miệng nhưng chất này lại khiến chúng ta dễ bị loãng xương, mất xương, răng cũng yếu dần đi nếu dùng nhiều.
Dị ứng: Trong mì ăn liền thường chứa một phụ gia gọi là MSG (monosodium glutamate monohydrate), đây là loại phụ gia tổng hợp mùi vị, khiến cho món mì trở nên ngon miệng hơn, kích thích vị giác tối đa. Nếu dùng nhiều có thể bạn sẽ bị dị ứng.
Ung thư: Đã có nhiều nghiên cứu đánh giá sự độc hại của mì ăn liền, với các thành phần phụ gia như màu thực phẩm, quá nhiều muối, chất béo bão hòa… Và hầu hết các nghiên cứu đều kết luận mì ăn liền có khả năng gây ung thư nếu ăn nhiều trong thời gian dài.
Minh Hải
Ý kiến bạn đọc