(VnMedia) - Hiện nay, tỷ lệ vô sinh thứ phát ngày càng gia tăng. Tỷ lệ này còn có nguy cơ tăng cao do nhiều cặp vợ chồng chủ quan là mình không có vấn đề gì về đường sinh sản, vì đã từng có con…
>>>Vật vã những cặp vợ chồng đột ngột vô sinh
Thủ phạm giấu mặt
Vô sinh thứ phát là hiện tượng phổ biến, nhất là đối với những cặp vợ chồng muốn sinh thêm con sau một thời gian dài kế hoạch. Đa số các cặp vợ chồng thường nghĩ "máy móc" của mình tốt, muốn có con lúc nào chẳng được. Do vậy, khi bắt đầu có kế hoạch mang thai lần nữa nhưng không được, họ bắt đầu hoang mang, lo lắng...
Như trường hợp của anh Phạm Minh V. quê ở Hà Nam, làm việc tại Hà Nội. Vợ chồng anh đã có một cô con gái 7 tuổi. Cuộc sống khó khăn nên hai vợ chồng quyết tâm làm ăn để kiếm tiền kha khá thì mới tính đến chuyện sinh đứa con thứ 2. Khi con gái đầu lòng đã được 6 tuổi, khi nhà cửa đầy đủ, có của ăn của để, vợ chồng anh mới quyết định sinh thêm một đứa em cho con gái.
Nhưng vợ chồng anh V. đã “thả” cả một năm trời mà chẳng thấy có tin vui. Anh V. quyết định cùng vợ đi khám để chứng minh “khả năng” của mình. Anh V. ngã ngửa khi được bác sĩ kết luận anh vô sinh thứ phát do bị giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Trường hợp chị Nguyễn Thị Thanh H. ở Hải Phòng thì khác. Vợ chồng chị bị “vỡ” kế hoạch khi đứa con đầu lòng được 7 tháng. Vì nhiều lý do nên anh chị quyết định bỏ cái thai đó. Chị đã đi phá thai ở một phòng khám tư nhân, điều kiện vệ sinh không đảm bảo chị đã bị viêm tử cung mà không hay biết. Khi con đầu lòng đã lớn chị H. muốn sinh thêm một đứa con nữa mà mãi không được. Lần nữa mãi, cuối cùng chị H. cũng quyết định lên bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội để khám và thật không ngờ chị không thể sinh con được là do hậu quả của việc nạo phá thai lần đó.
Còn chị Lan Anh, Yên Hòa, Cầu Giấy lại là một trường hợp rủi ro khác. Sau khi con đầu lòng được 1 tuổi, trong một lần đi khám phụ khoa chị được bác sĩ chẩn đoán là viêm tử cung. Chị đã đi chữa trị nhiều lần và hy vọng khi khỏi hẳn rồi mới nghĩ tới chuyện sinh con tiếp theo. Sau đó 2 năm chị lên kế hoạch sinh con thứ hai nhưng mãi không thấy tín hiệu gì. Mong mỏi có con nên chị đã chủ động đi khám lại, sau khi bác sĩ khám và soi tử cung thì phát hiện tử cung chị nhiều vết sẹo và đó chính là nguyên nhân chị khó có con.
Vì đâu nên nỗi?
Hiện nay, tình trạng vô sinh thứ phát như những trường hợp trên ngày càng nhiều, tâm trạng chung của họ là rất ngỡ ngàng vì lý do dẫn đến vô sinh là không thể ngờ tới.
TS.BS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, vô sinh thứ phát ở nam giới thường là do rối loạn trong quá trình sinh tinh, trưởng thành của tinh trùng. Suy tuyến sinh dục nguyên phát, thứ phát, nhiễm trùng đường sinh dục, quai bị, dãn tĩnh mạch thừng tinh, tiếp xúc với các hoá chất, tia xạ làm tinh trùng yếu, giảm hoặc không có tinh trùng. Thực tế, nhiều người bị rối loạn cương dương và rối loạn về phóng tinh cũng làm giảm khả năng có thai ở vợ. Bất thường về cấu trúc của cơ quan sinh dục như không có ống dẫn tinh, tắc ống dẫn tinh, tinh hoàn ẩn... sẽ gây suy giảm hoặc không có tinh trùng.
Theo TS.BS Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, vô sinh thứ phát ở nữ thường do viêm nhiễm đường sinh dục, nạo phá thai, sảy thai hoặc có thai ngoài tử cung. Những lý do đó khiến cấu trúc bình thường của tử cung và ống dẫn trứng bị dính, tắc, khiến trứng không thể di chuyển vào buồng tử cung, ảnh hưởng khả năng sống của tinh trùng. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như dị dạng tử cung, u xơ tử cung, tiền căn phẫu thuật vùng chậu, viêm vùng chậu...
Vô sinh là căn bệnh đáng lo ngại của môi trường hiện đại, khi cuộc sống căng thẳng, áp lực công việc, viêm nhiễm đường sinh dục khiến chất lượng “con giống” của đàn ông suy giảm, rối loạn quá trình sinh tinh trùng, trưởng thành của tinh trùng. Nhiều người đàn ông bị chứng bất lực hoặc rối loạn phóng tinh cũng khiến khả năng thụ thai của người vợ bị giảm. Với phụ nữ, rối loạn rụng trứng cũng là nguyên nhân dẫn tới vô sinh thứ phát, với biểu hiện là tình trạng kinh nguyệt như kinh thưa (chu kỳ kinh nguyệt trên 35 ngày) hay vô kinh (không có kinh từ 3 hoặc 6 tháng trở lên).
Sự suy giảm khả năng sinh sản của người đàn ông còn có thể ảnh hưởng của một số bệnh như chứng tăng huyết áp hay tiểu đường hoặc do uống quá nhiều rượu hay một lượng không nhiều thuốc phiện. Một số nguyên nhân toàn thân cũng có thể ảnh hưởng tới vô sinh thứ phát như viêm cầu thận mạn gây suy thận có thể làm cho bệnh nhân nhiễm độc thai nghén ở những lần sinh sau, bất đồng nhóm máu Rh của bố và mẹ.
Với những cặp vợ chồng sinh con lần đâu, nguyên nhân của việc vô sinh lần hai còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tâm lý. Họ thường suy nghĩ, đã sinh con một lần thì chắc chắn buồng trứng không sao hoặc có làm gì đâu mà viêm nhiễm... Điều này khiến họ chủ quan không để ý và đi khám bác sĩ sớm để có các biện pháp chữa trị kịp thời.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Trong những năm gần đây, trường hợp các cặp vợ chồng hoàn toàn khỏe mạnh, các xét nghiệm kiểm tra cũng hoàn toàn bình thường mà vẫn không thể sinh con là chuyện không hiếm.
Bác sĩ phụ sản Đặng Thị Thiện, bệnh viện phụ sản Trung ương cho rằng, cuộc sống hiện đại khiến nhiều cặp vợ chồng do mải kiếm tiền nên trì hoãn việc sinh sản. Để hạn chế mức thấp nhất nguy cơ bị vô sinh thứ phát, các cặp vợ chồng không nên kéo dài thời gian sinh giữa 2 lần sinh. Tốt nhất là nên trong khoảng từ 3 - 5 năm.
Để tránh vô sinh thứ phát, phụ nữ không nên để quá lâu mới sinh tiếp. Tuổi mẹ cao, bên cạnh khả năng thụ thai giảm còn có nguy cơ cao mắc dị tật ở thai nhi. Đối với đàn ông, có thể phòng tránh vô sinh bằng cách điều trị sớm các trường hợp tinh hoàn ẩn ở trẻ nhỏ, tiêm phòng quai bị, điều trị đặc hiệu sớm đường dẫn tinh, tránh các yếu tố tác động như thuốc, chất gây nghiện, tia xạ ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng.
Ngoài ra, cần phòng ngừa những nguy cơ "từ xa" bằng cách giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản cho các em từ lúc còn là học sinh, coi đây là vấn đề khoa học giúp các em vừa có nhận thức đúng về vấn đề, vừa không ngại chia sẻ để tìm ra hướng giải quyết.
Ý kiến bạn đọc