Giật mình người giúp việc khám thay bác sỹ!

07:25, 18/07/2012
|

(VnMedia) - Sở Y tế Hà Nội khẳng định, đến thời điểm này, Sở mới chỉ cấp phép cho hai người Trung Quốc với chức danh giúp việc bác sĩ tại phòng khám Maria. Vậy người giúp việc ở đây tự làm bác sĩ khiến bệnh nhân tử vong?

Xung quanh vụ việc một nữ bệnh nhân vừa tử vong tại phòng khám đa khoa Maria, chiều 17/7, báo giới đã có cuộc trao đổi với bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội .

Liên quan đến cái chết của chị Nguyễn Thị Thu Phong, cơ quan điều tra cho biết có 3 bác sĩ Trung Quốc trực tiếp khám, kê đơn, làm thủ thuật cho bệnh nhân này. Vậy Sở có khẳng định chưa từng cấp phép cho bác sĩ người Trung Quốc nào khám bệnh tại phòng khám Maria?

Sở Y tế chưa từng cấp phép cho bác sĩ Trung Quốc nào khám tại phòng khám Maria. Vì thế, nếu có bác sĩ người Trung Quốc nào tham gia khám ở đây là sai luật. Đây là lần đầu tôi nghe phản ánh chuyện này.

Sở Y tế mới chỉ cấp phép cho hai người Trung Quốc giúp việc bác sĩ tại đây. Đó là LEI HONG (Lôi Hồng, nữ, 24 tuổi) và HUANG DINGLI (Hoàng Đình Lập, nam). Đã là người giúp việc thì không được trực tiếp khám, không được kê đơn, không được thực hiện thủ thuật mà chỉ giúp việc cho bác sĩ khám bệnh được cấp phép. Họ chỉ có thể giúp bác sĩ những việc như: ghi chép sổ sách, thay băng, cắt chỉ, đo nhiệt độ, huyết áp… 

Tại sao phòng khám Maria liên tiếp có nhiều sai phạm và bị xử phạt nhưng vẫn được duy trì hoạt động, chỉ đến khi xảy ra hậu quả có người chết mới bị đình chỉ?

Hành vi vi phạm phải xác định ở thời điểm kiểm tra. Khi kiểm tra lực lượng thanh kiểm tra không phát hiện có bác sĩ người Trung Quốc tại cơ sở này mà chỉ thấy họ quảng cáo quá phạm vi cấp phép và đã tiến hành phạt theo đúng quy định. Tại thời điểm kiểm tra, phòng khám mắc lỗi đến đâu đã xử phạt đến đó.

Người dân đi khám bệnh thấy có người Trung Quốc là tin ngay, họ không thể nhận biết đâu là bác sĩ, đâu là giúp việc bác sĩ. Đây phải chăng là “lỗ hổng” để các phòng khám này dễ dàng lừa người bệnh?

Điều này có quy định rõ ràng, bác sĩ đeo đúng biển, đúng tên là bác sĩ, điều dưỡng đeo biển đúng tên, đúng biển điều dưỡng, không được phép đeo khác đi, không đúng chức năng của mình.

Vì thế, để nhận biết, khi đi khám bệnh, người dân nên chủ động tìm hiểu về cơ sở khám chữa bệnh (không riêng gì phòng khám mà cả bệnh viện công). Phải tìm hiểu cơ sở đó họ chữa bệnh nào, tốt không, hiệu quả ra làm sao, tìm hiểu bác sĩ trực tiếp khám cho mình có đúng chuyên khoa không…

Phòng khám Maria sẽ bị đình chỉ hoạt động trong bao lâu?


Phòng khám này sẽ bị đình chỉ hoạt động đến khi nào cơ quan chức năng có kết quả trả lời về ca tử vong này. Sau đó, chúng tôi sẽ xem xét có cho phòng khám này tiếp tục hoạt động hay không.

Cảm ơn bà!

Bà Trần Nhị Hà - Trưởng Phòng quản lý hành nghề, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong suốt thời gian qua Sở không hề nhận được hồ sơ hay đơn từ nào có nội dung đề nghị thay đổi đại diện Phòng khám Đa khoa Maria như bà Na nói.

Về mặt pháp lý, bà Đỗ Y Na vẫn là người chịu trách nhiệm chính về mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của phòng khám, cho dù bà Na cho biết từ tháng 2/2011 đến nay đã bàn giao công việc cho người khác, nhưng trên giấy tờ thì bà vẫn là trưởng phòng khám.




Thuỳ Minh - (ghi)

Ý kiến bạn đọc