Sáng 20/7, bác sỹ Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu cho hai bệnh nhân bị bệnh trĩ trong tình trạng vùng hậu môn đã bị hoại tử nặng do điều trị bên ngoài ở các phòng khám tư.
Bệnh nhân thứ nhất là Vũ Ngọc Q., nam, 46 tuổi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An đã chữa một bà lang ở Nam Đàn, sau đó không khỏi lại tiếp tục chữa tại một phòng khám tư. Sau 10 ngày đau, sốt, không đỡ, không đi ngoài được do vùng hậu môn bị hoại tử tím đen. Sau đó bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Việt Đức và được các bác sỹ tiến hành hồi sức, cấp cứu ngay.
Các bác sỹ kiểm tra và thấy bệnh nhân bị thương tổn vùng hậu môn, trực tràng hoại tử tím đen hoàn toàn, gây tổn thương vùng bìu và tầng sinh môn. Ngay lập tức các bác sỹ phải cấp cứu hồi sức và sau đó tiến hành làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nam Lê Huy K. 53 tuổi, ở Thanh Chương, Nghệ An, cũng bị bệnh trĩ. Bệnh nhân nhập viện với vùng bẹn sưng tấy, viêm tấy lan tỏa ra cả tầng sinh môn và quanh hậu môn sinh dục. Đặc biệt, phần hậu môn của bệnh nhân đã bị hoại tử nặng (bệnh Fournier).
Bệnh Fournier là một biểu hiện hoại tử nhiễm trùng dưới da bắt đầu từ bìu rồi lan tỏa dần đến tới vùng các lớp lân cận. Bệnh nhân bị bệnh này tỷ lệ tử vong đến 85%.
Nhập viện lúc 11 giờ đêm 18/7, bệnh nhân K đã phải dùng thuốc kháng sinh mạnh liên tục trong 3 ngày. Theo bác sỹ Hùng, bệnh nhân trên chỉ cần đến chậm từ 1-2 ngày là có thể tử vong.
Để tránh những di chứng sau này có thể ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, bệnh nhân K. sẽ còn phải điều trị lâu dài, có thể là vài tháng vì các vi khuẩn từ vùng tổn thương khi bị nhiễm trùng, sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác.
Theo bác sỹ Hùng, trĩ là bệnh thường gặp chiếm tỷ lệ người mắc cao trong dân số, từ 50-60%. Bệnh có nhiều mức độ khác nhau và có thể áp dụng nhiều phương pháp chữa thích hợp như đắp lá (theo dân gian) hay phẫu thuật. Nếu chọn cách điều trị đúng, kết quả điều trị sẽ tốt.
Tuy nhiên, do tâm lý người bệnh còn ngại, và nó xảy ra ở vùng kín và có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau nên có không ít người tìm đến các phòng khám tư nhân để chữa trị. Do không được điều trị đúng cách ở đó nên nhiều bệnh nhân đã bị biến chứng, có trường hợp mất mạng.
Bác sỹ Hùng cho hay, các phòng khám tư thường quảng cáo dùng những từ nước ngoài với công nghệ cao, mơ hồ khó hiểu khiến người dân tưởng công nghệ cao, chữa trị hiệu quả. Họ chữa trị lúc đó có thể khỏi nhưng sau đó 2 năm bệnh có thể tái phát lại.
Vì vậy, bác sỹ Hùng khuyến cáo người dân khi mắc bệnh này nên đến các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra khi khám và chữa tại các phòng khám tư nhân.
Thêm một bệnh nhân nguy kịch vì chữa trĩ
Cái chết của bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong tại phòng khám Maria (Hà Nội) còn chưa kịp lắng xuống thì một “con mồi” khác của phòng khám có yếu tố Trung Quốc tại TPHCM lại nguy kịch chỉ vì cắt trĩ.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Lan, 21 tuổi, nhà ở Đồng Xoài, Bình Phước cho hay, chị không biết phòng khám này đã bị tước giấy phép hành nghề vì ngày 19/7, khi chị và ông xã có mặt để xin cắt trĩ, phòng khám này vẫn tiếp nhận.
Bệnh nhân đang được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy
"Họ đưa giá phương pháp tốt nhất là 20 triệu đồng, tôi thấy đắt nên chọn phương pháp thứ hai với giá 12 triệu đồng. Ca mổ bắt đầu khoảng 16h30, đến 18h thì tôi thấy chảy máu ở vết mổ và tối sầm mặt mũi. Lo quá, ông xã tôi yêu cầu được đưa đi cấp cứu", chị Lan nói.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân trong tình trạng hạ huyết áp, vùng quanh hậu môn có vết mổ khoảng 3 cm đang chảy máu, và chuyển đến khoa Ngoại Tiêu hóa để điều trị.
Khi tính mạng của người bệnh đang tựa “nghìn cân treo sợi tóc” thì 3 nhân viên của phòng khám Huê Hạ đã nhanh chóng có mặt tại Chợ Rẫy mang theo số tiền 12 triệu đồng trả lại cho người nhà bệnh. Họ “cướp” lại biên lai thu tiền, giấy cam kết và một số giấy tờ khác rồi nhanh chân chuồn thẳng. Rất may những tang chứng trên đã được nhân viên của bệnh viện ghi hình lại
"Đến sáng nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, tuy nhiên vẫn phải nằm viện để theo dõi", tiến sĩ Phan Đương, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa cho biết.
Theo chị Lan, người mổ cho chị là một bác sĩ nói tiếng Trung Quốc có người phiên dịch. "Nhiều ngày trước, tôi thấy phòng khám này quảng cáo trên đài truyền hình địa phương về phương pháp chữa trĩ nhanh gọn, đi về trong ngày nên mới tìm đến", chị Lan nói.
Cũng theo tiến sĩ Phan Đương, dù chỉ là trung phẫu nhưng việc cắt trĩ dễ gây biến chứng chảy máu. "Chính vì thế chúng tôi khuyên bệnh nhân nên đến các bệnh viện khi có bệnh", ông khuyến cáo.
Trao đổi với báo chí, bác sĩ Phạm Kim Bình, quyền Chánh thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết, sáng nay Sở đã đến phòng khám Huê Hạ để ghi nhận sự việc.
"Việc làm này là hoàn toàn sai bởi hơn một tuần trước, chúng tôi đã có quyết định tước quyền hành nghề của phòng khám. Sau khi ghi nhận và tiếp xúc với bệnh nhân, chúng tôi sẽ báo cáo với Ban giám đốc Sở Y tế để có những biện pháp xử lý nghiêm", ông Bình nói.
Ý kiến bạn đọc