Ăn mặn tăng nguy cơ ung thư dạ dày

11:40, 31/07/2012
|

(VnMedia) - Theo nghiên cứu của của Quỹ Nghiên cứu ung thư Thế giới (WCRF – Anh), 14% trường hợp ung thư dạ dày liên quan đến thói quen ăn mặn.

Các nhà nghiên cứu cho biết, ăn mặn liên quan đến viêm dạ dày tạo điều kiện cho vi khuẩn Helicobacter pylori phát triển. Vi khuẩn này là căn nguyên của 80% trường hợp ung thư dạ dày.

Cũng theo WCRF, 3/4 lượng muối nằm trong thức ăn công nghiệp đã qua chế biến. Do vậy, hàng ngày bạn không dùng nước chấm,nước mắm thì bạn vẫn có thể tiêu thụ quá 6g/ ngày mà không hay biết.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Mỹ (CDC), bánh mì là thức ăn mang lại lượng muối nhiều nhất bởi nó được tiêu thụ với số lượng lớn hơn bất cứ thức ăn nào khác.

CDC cảnh báo, trong thực phẩm chế biến hoặc thực phẩm nấu nướng trong nhà hàng quán ăn có chứa hàm lượng muối cao. Nói chung, rất nhiều người dùng nhiều muối hơn mức cần thiết.

Cũng theo CDC, ăn mặn còn liên quan đến suy giảm trí nhớ. Đặc biệt những người cao tuổi, người ăn mặn thường bị suy giảm trí nhớ nhanh hơn những người ăn nhạt.

Các món ăn chế biến sẵn có nhiều muối cần thận trọng trước khi dùng: bánh mì, thịt heo, thịt heo muối, gà, vịt, súp, hamburger, bánh mì săn-uýt, thức ăn nhanh, phô-mai, mì Ý spaghetti, các món mì, bánh mì thịt, các thức ăn giòn như chip khoai tây, bắp rang, bánh mặn...Bạn có thể giảm mức tiêu thụ muối bằng cách đọc kỹ thành phần muối trên bao bì thực phẩm bởi lượng muối trong mỗi loại thực phẩm rất khác nhau.

Để tránh được căn bệnh nguy hiểm, mỗi người chúng ta mỗi ngày không nên dùng quá 6g muối (tương đương với một muỗng cà phê). Đây là lượng muối mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyên dùng để tự bảo vệ sức khỏe.

Tác hại của việc ăn mặn

Ăn mặn là một thói quen không tốt mà nhiều người mắc phải. Trước đây, người ta chưa biết đến hậu quả tai hại của việc ăn mặn đối với sức khỏe con người. Ngày nay, các nhà khoa học đã có bằng chứng cho thấy việc ăn mặn làm tăng huyết áp, làm tăng bệnh về tim mạch, tăng nguy cơ ung thư dạ dày và loãng xương.
 
Ăn nhiều muối làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi, dẫn đến tăng huyết áp.
 
Ăn mặn còn làm tăng tái hấp thu natri ở ống thận cũng dẫn đến tăng huyết áp. Tăng huyết áp sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim, tai biến mạch máu não. Lượng muối quá cao sẽ làm tăng tỉ lệ tổn thương chức năng của thận, dễ gây sỏi thận.
 
Người ăn mặn hàm lượng muối cao sẽ làm tăng độc tính của vi khuẩn H.pylori gây loét dạ dày dễ dẫn đến ung thư. Ăn mặn làm tăng đào thải canxi dẫn đến loãng xương. Chính vì thế, sử dụng muối vừa phải trong bữa ăn hằng ngày rất quan trọng. Mỗi ngày, một người lớn chỉ nên dùng dưới 6g muối.

Cách giảm ăn mặn

Ăn mặn là thói quen có từ lâu đời và khó bỏ bởi nó làm hài lòng khẩu vị trong mỗi bữa ăn. Vì vậy, để bảo vệ được sức khỏe, đồng thời vẫn duy trì được cảm giác ngon miệng, cần tập ăn nhạt thực hiện dần dần, nhất là đối với người cao tuổi, không nên giảm đột ngột (trừ các trường hợp bị các bệnh lý mà bác sĩ chỉ định phải ăn nhạt).

Để hạn chế ăn mặn, chúng ta nên bắt đầu giảm muối trong bữa ăn từng bước một, bằng cách pha loãng nước chấm hoặc chọn nước chấm có công thức giảm muối, nêm thức ăn nhạt hơn thói quen ăn uống bình thường, nên chọn thực phẩm tươi sống để nấu thức ăn thay vì dùng thực phẩm chế biến sẵn để hạn chế dùng muối. Không trữ các món mặn khô, mắm ở trong nhà.

Ngoài ra, cần tập cho trẻ nhỏ thói quen ăn nhạt ngay từ nhỏ để hạn chế các hiểm họa bệnh tật do ăn mặn gây ra.         

Diệu Linh

Ý kiến bạn đọc