(VnMedia) - Theo một nghiên cứu tại Úc, trẻ xem phim bạo lực sẽ khiến chúng hành động hung hăng hơn.
Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu gia đình và trẻ em thuộc Trường đại học Macquarie cho biết, có sự liên hệ rõ ràng giữa thời gian trải qua việc xem phim bạo lực và cách cư xử hung hăng của trẻ.
Giám đốc trung tâm Wayne Warburton cho biết, những ảnh hưởng từ phim bạo lực với trẻ thể hiện ở tính hung hăng, căm ghét.
Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy, việc xem bạo lực kéo dài còn làm con người trơ lỳ với bạo lực. Nó bóp méo nhận thức của con người về thế giới thực tế và tạo ra những suy nghĩ gây hấn. Ở nhiều đứa trẻ, cảm giác về sự đau đớn giảm đi sau khi chúng xem phim có cảnh bạo lực, chém giết.
Ngược lại, theo chuyên gia, một số em khi tiếp xúc với nhiều hình ảnh bạo lực lại gây cho các em cảm giác thế giới không hề an toàn. Bất cứ khi nào ra đường cũng phải cảnh giác và những điều nho nhỏ cũng có thể là mối họa, vì thế cần phản ứng trước để phòng trừ. Cũng có thể vì thế mà nhiều vụ án mạng xảy ra đôi khi chỉ vì cảm giác bị “nhìn đều”.
Sự tác động của game bạo lực với trẻ cũng tương tự như phim bạo lực. Những trò chơi này phần lớn dạy người ta cách bắn, giết, cướp, đốt nhà, triệt hạ đối thủ. Người chơi được trải nghiệm cảm giác làm hại người khác, phá hủy đồ vật… và cả cảm giác về sự chiến thắng, mãn nguyện.
Cũng vì thế, theo các chuyên gia, cần có những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu những ảnh hưởng của các phim hay game bạo lực.
Ngoài ra, cần có những chương trình đào tạo về giá trị sống cho trẻ và thanh thiếu niên, để chính các em là người quản lý mình trước khi người khác quản lý. Đồng thời, cần có những chương trình tư vấn hỗ trợ cho các bậc phụ huynh về cách ứng xử với con, về những tác động của xã hội đến sự phát triển của trẻ, để từ đó họ có thể giúp con vượt qua những cám dỗ của cuộc sống.
Ngăn chặn hành vi bạo lực ở trẻ
Trẻ còn nhỏ nhưng những biểu hiện dạng này sẽ gây nhiều nguy cơ kéo dài. Môi trường gia đình cũng có tác động như học đường; tạo điều kiện cho trẻ có được một hình ảnh tốt đẹp về bản thân là điều không thể thiếu trong quá trình hình thành nhân cách trẻ. Cha mẹ hãy giúp trẻ hiểu rằng, dù có lúc cha mẹ không thích một số hành vi của con, nhưng vẫn yêu con.
Càng từ tốn càng tốt và phải duy trì những giới hạn này một cách nhất quán. Mỗi trẻ cần có những cột mốc để định vị, cần biết đâu là giới hạn và cha mẹ chờ đợi nơi mình điều gì.
Hãy biểu lộ những tình cảm của cha mẹ và chỉ cho trẻ thấy rằng cha mẹ có thể giải quyết những xung đột một cách bình tĩnh, ôn hòa chứ không cần sử dụng bạo lực. Thực tế cho thấy những trẻ học được cách thể hiện, nói lên những cảm nghĩ trong gia đình rất ít có khuynh hướng và hành vi hung bạo.
Quan tâm về việc học hành, bạn bè, các sinh hoạt nhưng không nên tìm cách xâm phạm đến những “bí mật” riêng tư của trẻ. Khi nhận được phản ánh từ phía nhà trường, cha mẹ phải có ngay giải pháp. Nên trao đổi thẳng thắn hơn là cứ để xảy ra ngộ nhận (về lâu dài sẽ gây bất lợi cho trẻ). Sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình sẽ góp phần giúp cha mẹ gần gũi con cái hơn.
Tự đặt mình vào địa vị trẻ trong trường hợp xảy ra xung đột nghiêm trọng, thử tìm hiểu xem con bạn có thái độ đó là nhằm mục đích gì? Phải chăng nó muốn gây sự chú ý, quan tâm của cha mẹ, hay để không phải cố gắng làm một việc gì khác? Khi đã nắm bắt được điều trẻ muốn, có thể bạn sẽ giúp trẻ hiệu quả hơn. Quan trọng là cha mẹ phải thật bình tĩnh, cho dù đã trải qua một ngày làm việc mệt nhọc, căng thẳng.
Cho trẻ một số quyền tự do nhất định, chẳng hạn trong việc chọn lựa trang phục, hoặc quyết định về thời khóa biểu có thể tiếp bạn bè, làm bài tập... Cũng giống người lớn, trẻ cần cảm thấy mình có một vai trò quan trọng trong đời sống gia đình và có những quyết định của riêng mình.
Tạo điều kiện cho trẻ chơi một môn thể dục thể thao, qua đó rèn luyện và phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Đó là cách tốt nhất để trẻ có thể tiêu thụ hết năng lượng dư thừa. Nên ưu tiên chọn những môn thể thao có tính tập thể, đoàn kết hoặc môn võ cổ truyền như nhu đạo, vì nó có tính kỷ luật nghiêm ngặt, giúp trẻ biết tôn trọng người khác và nhất là biết tự chủ bản thân.
Ý kiến bạn đọc