Nguyên nhân gây “bệnh lạ”: Nghi ngờ độc tố dioxin

14:16, 08/06/2012
|

(VnMedia) - Đến nay, tại Ba Tơ, Quảng Ngãi đã có 215 người mắc "bệnh lạ”, trong đó 12 người đã chết, số người mắc bệnh, tái phát ngày một tăng. Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa thể tìm ra. Nhiều ý kiến chuyên môn đang nghi ngờ nguyên nhân do độc tố dioxin.
 
Hôm qua (7/6), tại TP. Đà Nẵng, hội thảo chẩn đoán và điều trị hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân với người dân Ba Tơ, Quảng Ngãi (vẫn được gọi là "bệnh lạ”) được Bộ Y tế tổ chức. Đây là hội thảo chính thức thứ hai về căn bệnh này được Bộ tổ chức tính từ khi xuất hiện bệnh nhân mắc bệnh “lạ” đầu tiên (19/4/2011). Hội thảo đã thu hút gần 100 giáo sư, chuyên gia đầu ngành và đại diện các bệnh viện trong cả nước đang tham gia.

Tại hội thảo, các chuyên gia y tế đã phân tích các trường hợp tử vong, đề cập những yếu tố liên quan như thức ăn, nước, môi trường sống, tập quán, phân chia theo giới, nhóm tuổi, trình độ học vấn… Các chuyên gia dự hội thảo đều nhận định nguồn gốc bệnh “lạ” là có thể do nhiễm độc dioxin.
 
PGS. TS. Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, kiêm Chủ tịch hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, cho biết, trong tất cả các xét nghiệm có một cái chưa làm đó là dioxin, và việc nhiễm độc dioxin có thể liên quan.

Ảnh minh họa

"Bệnh lạ" tại Quảng Ngãi đã khiến 12 người tử vong. (Ảnh: ANTĐ)


TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cũng cho rằng, không thể loại trừ độc tố dioxin. Bởi chất độc này không chỉ có trong chất độc da cam mà còn có trong các hóa chất thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, đề nghị cơ quan chức năng và ngành y tế huyện Ba Tơ cung cấp các mẫu thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp mà người dân sử dụng để nghiên cứu”.

“Tôi nghi ngờ dioxin có liên quan đến bệnh nhưng kinh phí xét nghiệm quá lớn nên chưa thể thực hiện. Lâu nay chúng ta nghĩ dioxin là do chiến tranh để lại nhưng không hẳn vậy, nó còn có trong thuốc bảo vệ thực vật” - TS Duệ cho hay.

Đồng quan điểm, Bác sỹ Hoàng Văn Minh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng cho rằng, phải tập trung vào việc xác định nhiễm độc do chất gì và không thể loại bỏ dioxin.

Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết về việc xét nghiệm dioxin, phía WHO và CDC đã nắm tình hình và sẽ có kế hoạch cụ thể.

Tại hội thảo, Bộ Y tế đã công bố kế hoạch can thiệp giảm tử vong do bệnh “lạ” ở Ba Tơ từ tháng 5 đến tháng 12. Bộ Y tế giao đầu mối triển khai kế hoạch này là 14 bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc.
 
Kế hoạch sẽ được triển khai theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 tập trung nâng cao năng lực chuyên môn cho tỉnh Quảng Ngãi và chuyển tuyến điều trị các trường hợp bệnh nặng. Các trường hợp nặng được chuyển và các tuyến cuối điều trị như Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2... Giai đoạn 2 sẽ triển khai điều trị tại chỗ: bệnh nhẹ thì điều trị ở Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, nặng thì đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. 
 
Trong thời gian sắp tới, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ xem xét đề, duyệt đề xuất gửi một số bệnh nhân ra Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Da liễu Trung ương điều trị, đồng thời hỗ trợ chẩn đoán và hội chẩn bệnh.

Theo báo cáo tại Hội thảo, số ca mắc bệnh hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi tính từ ca mắc bệnh đầu tiên vào ngày 19/4/2011 đến ngày 5/6/2012 là 215 ca, trong đó đã ghi nhận chính thức 12 ca tử vong và 44 ca tái phát.

Thời điểm số ca bệnh tăng cao nhất là tháng 5/2011, với tổng số 35 ca, chủ yếu là người dân tộc H’re tại các xã Ba Điền, Ba Ngạc, Ba Xa, Ba Tô, Ba Vinh của huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Trong đó, tập trung chủ yếu tại làng Rêu của xã Ba Điền (chiếm tỷ lệ 55,67%), tỷ lệ nhóm tuổi mắc bệnh nhiều nhất từ 25 - 45 tuổi.


Đình Ngọc

Ý kiến bạn đọc