(VnMedia) - Gần đây, nhiều người truyền tai nhau về tác dụng của nhau thai như một loại “thần dược”, vậy thực hư tác dụng của nó thế nào?
Nhau thai là một loại bệnh phẩm
Nhau thai còn gọi là nhau sản phụ, y dược học cổ truyền gọi nhau thai là tử hà sa, còn tên khoa học là Placenta Hominis. Nhau thai là bộ phận ở trong tử cung của người mẹ, là phần phụ của thai, có nhiệm vụ che chở bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi khi còn trong bụng mẹ. Nhau thai là một tổ chức độc lập, cung cấp dinh dưỡng từ mẹ vào thai nhi, nó giống như chiếc đệm, duy trì môi trường sống, để bào thai phát triển khỏe mạnh. Nhau thai chuyển máu, ôxy, dinh dưỡng và phần lớn các chất có trong máu của mẹ vào bào thai.
Theo dược học cổ truyền, nhau thai vị ngọt mặn, tính ấm, có công dụng bổ khí, dưỡng huyết, ích tinh, thường dùng để chữa các chứng bệnh suy nhược, gầy yếu, đau nhức trong xương, hen suyễn, ho ra máu, ra mồ hôi trộm, di tinh, liệt dương, phụ nữ thiếu máu, muộn con, thiếu sữa sau khi sinh nở...
Theo GS.TS dược học Đỗ Tất Lợi thì trong tài liệu cổ, nhau sản phụ có tác dụng đại bổ khí huyết, dùng chữa gầy yếu, hen suyễn, ra nhiều mồ hôi, đau nhức xương, di tinh, hoạt tinh.
Tuy nhiên, vì bản thân nhau thai là một loại tổ chức giàu protein nên nếu được xử lý không đúng cách rất dễ bị nhiễm khuẩn, lây các bệnh truyền nhiễm sang người dùng.
Theo quy định của Bộ Y tế hiện nay, nhau thai được coi là một loại bệnh phẩm, nên việc xử lý phải tuân theo quy chế quản lý chất thải y tế.
Nhau thai khô không rõ nguồn gốc được bán trên thị trường. (Ảnh minh họa) |
Nhiều thuốc khác có thể thay thế nhau thai
Trao đổi với VnMedia, Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc, Khoa Sản, Bệnh viện 198 cho biết, qua kinh nghiệm những năm làm nghề, một bác sỹ bằng mắt thường có thể nhận thấy những nhau thai an toàn phải có màu hồng, sáng, không xây xát, còn nguyên bọc. Cộng với nước ối của người mẹ sạch, không đục, người mẹ không có những tiền sử bệnh án trước khi sinh thì thường sẽ có nhau thai an toàn.
Thông thường một bà mẹ khoẻ mạnh thì có một nhau thai tốt và sẽ sinh ra đứa con khỏe mạnh. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ, có bà mẹ trước khi sinh được khám sức khỏe định kỳ, đảm bảo khoẻ mạnh, không có các tiền sử bệnh án nhưng không may sinh ra một đứa con không khoẻ mạnh, trong trường hợp này có thể do nhau thai không được tốt. Nếu dùng những nhau thai này làm thuốc thì rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc cho biết thêm, đặc biệt, với việc bùng phát đại dịch HIV/AIDS và các bệnh viêm gan B, C, bệnh do virut, bệnh nhiễm khuẩn xuất hiện khá nhiều như hiện nay, việc sử dụng nhau thai tươi khó có thể đảm bảo độ an toàn cho tính mạng người sử dụng. Còn các loại nhau thai khô có nguồn gốc không rõ ràng trên thị trường như hiện nay thì càng không thể tin cậy. Hiện nay người ta ít sử dụng nhau thai với mục đích làm thuốc. Hơn nữa hiện đã có nhiều vị thuốc khác thay thế.
Đồng quan điểm với bác sỹ Ngọc, Bác sỹ chuyên khoa II Phạm Thị Ánh Tuyết, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết, đúng là các loại nhau thai được bán trên thị trường hiện nay dễ là các mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nếu sử dụng những sản phẩm này “thần dược” đâu chưa thấy mà nguy cơ nhiễm bệnh đã rình rập.
Gần đây, khi đời sống kinh tế khá lên, nhiều người “phú quý sinh lễ nghĩa”, họ cứ rỉ tai nhau, đổn thổi công dụng của các loại “thần dược” từ nhau thai, rồi thi nhau mua sử dụng. Tuy nhiên, cần hết sức cảnh giác kẻo “tiền mất, tật mang”.
Theo bác sỹ Tuyết, trước đây một phần do kinh tế khó khăn nên người ta thường dùng nhau thai tươi làm thức ăn, xem như một loại thuốc bổ, nhưng ngày nay kinh tế phát triển, hàng hóa thực phẩm đa dạng, phong phú thì có nhiều loại thức ăn cũng có thể cung cấp đủ đạm và dinh dưỡng mà không cần phải dùng đến nhau thai. Trong y học cũng có nhiều loại thuốc khác có thể thay thế công dụng bồi bổ của nhau thai. Hiện nay, tại các bệnh viện phụ sản, nhau thai được phân loại như một chất thải y tế để đưa đi tiêu hủy.
Ý kiến bạn đọc