(VnMedia) - Đến nay, vẫn chưa có kết luận khoa học chính thức về trường hợp cô bé gây cháy. Dưới đây là những ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia y tế, tâm linh… nhằm giúp độc giả có một cái nhìn rõ ràng hơn về hiện tượng này.
Do dư thừa nguồn năng lượng sinh học
Tương tự, ThS Vũ Đức Huynh, chuyên gia nghiên cứu về ngoại cảm, tâm linh - tác giả của gần 20 cuốn sách về vấn đề này, cũng cho rằng hiện tượng em bé gây cháy là do dư thừa nguồn năng lượng sinh học.
Theo ThS Vũ Đức Huynh, đây là hiện tượng mới cần nghiên cứu cụ thể, chớ nên phủ định bởi con người tàng chứa nhiều khả năng mà chúng ta chưa khai phá hết.
Với bé gái này, nguồn năng lượng ở dạng sóng, nên cô bé có thể phát năng lượng sóng giống như sóng viba làm chập điện, gây cháy, nổ cầu chì... Hiện tượng này hoàn toàn có khoa học, không nên cho rằng là chuyện phi lý, hoang tưởng.
Chúng ta biết rằng, các vật thể có thể hấp thu năng lượng và giữ lại năng lượng đó, giải phóng nó khi có điều kiện. Ví dụ như hòn đá vôi đem nung thành cục vôi sống nguội lạnh đem tôi lập tức giải phóng ra năng lượng nhiệt mà các vật liệu đốt đã truyền cho nó.
Phương cách của em bé này và "những người có khả năng đặc biệt - truyền năng lượng chữa bệnh" sử dụng là từ cơ sở này.
Có thể em bé đã hấp thu một nguồn năng lượng quá lớn từ trạm điện (năng lượng vật lý) và chuyển đổi thành năng lượng sinh học hoặc dòng năng lượng sinh học của cô bé lớn khi phát ra cộng hưởng cùng điện năng vật lý làm quá tải các đầu dẫn điện, gây cháy đồ vật...
Công năng của dòng năng lượng này hiện chưa đo đạc được bằng kỹ thuật hiện tại nhưng là nguồn gốc của mọi khả năng đặc biệt trong các tiềm năng tàng chứa của con người.
Do sự bất thường của trung tâm nhiệt
Còn theo Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn, chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy về khí công và thiền định cho rằng, cô bé gây cháy là do sự bất thường của trung tâm nhiệt trong cơ thể.
Xét về góc độ năng lượng theo kinh dịch có quẻ Thủy - Hỏa - Ký - Tế áp dụng trong khí công là Tâm (Hỏa) - Thận (thủy) - Khí giao hòa. Bình thường tâm ở trạng thái quân bình, kết nối với thận thì sinh ra dòng điện quân bình làm điện năng sinh học cơ thể cân bằng.
Nhưng khi Tâm không quân bình (ở những người có cảm xúc hay suy tư, ưu buồn, nghĩ ngợi... - bán cầu não phải kích hoạt), tức là hỏa khí ở tâm mạnh khi kết nối thận tạo dòng điện năng lượng sinh học mạnh, kích phát hệ thống thần kinh, năng lượng cơ thể phát tác ra ngoài gặp vật có từ tính, dẫn điện gây cháy...
Điều này cũng giống như hiện tượng trong vũ trụ. Tâm giống như Mặt Trời chiếu xuống Trái đất, nước như Thận thủy bay hơi tạo thành mây. Hai dòng âm dương gặp nhau, không cân bằng sinh ra sấm, chớp.
Hơn nữa, trong con người âm dương thường cân bằng, tức hỏa + thủy hợp nhất tạo thành dòng năng lượng làm ấm phủ tạng, nuôi dưỡng cơ thể. Nhưng khi dương mạnh - tâm hỏa quá lớn tạo thành dòng nhiệt năng phát ra ngoài thiêu cháy các vật có khả năng dẫn điện hay có từ tính - trường hợp bé Th. chưa đủ năng lượng làm cháy các vật lớn hơn.
Bé Th. được cho là nguyên nhân gây cháy đồ đạc trong nhà. |
Do cơ chế vật lý nào đó
Theo GS.TS Hà Huy Bằng (Chủ nhiệm Bộ môn Năng lượng cao, Khoa Vật lý, Đại học KHTN Hà Nội), hiện nay, khoa học chưa giải thích về khả năng có thể làm đồ vật bốc cháy của cô bé là điều dễ hiểu. Bởi đây là trường hợp hiếm có.
Hiện tượng tự thân làm cháy đồ vật của cô bé có thể là do cơ chế vật lý nào đó mà khi hạt này xúc tác với vật tạo nên phản ứng giúp giải phóng năng lượng lớn.
Đây chỉ là lý thuyết nhưng cần có sự hiểu biết dấu tích cũng như phải xem xét cụ thể vấn đề mới có thể đánh giá cụ thể. Qua sự việc này cũng là bài học để bộ môn năng lượng cao hiểu rõ hơn về cơ chế này.
Cụ thể, qua nhân vật phải đánh giá để trả lời được các câu hỏi quan trọng là: Trong điều kiện nào em bé có thể đốt cháy như thế. Cô bé đã giải phóng năng lượng như thế nào để có thể đốt cháy? Và nguồn năng lượng bao nhiêu?
Có thể do bé tự đốt
Chuyên gia cảm xạ BS Dư Quang Châu (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng cảm xạ địa sinh học, Trường Đại học Hồng Bàng, TPHCM) lại cho rằng, người có bán cầu não phải bất thường hay bị ám ảnh, thích nổi tiếng... nên chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ xem thực sự bé Th. có khả năng đốt cháy đồ vật hay bé tự đốt.
Thực tế nghiên cứu cho thấy, chưa một ai được chứng kiến hiện tượng bé gây cháy mà tất cả đều do bé tự phát hiện ra và báo cho người nhà.
Trước mắt, có thể đặt camera tại nhà bé để theo dõi các hiện tượng này. Nếu thực sự cơ thể bé phát năng lượng và gây cháy thì cần nhiều nhà khoa học nghiên cứu để xem nguồn năng lượng này có lợi hay hại, có khả năng chữa bệnh không? Bởi chưa chắc nguồn năng lượng này đã có lợi cho sức khoẻ của bé.
Dựa vào kết quả chụp não đồ bằng phương pháp RFI cho thấy trên bán cầu não phải của bé xuất hiện vệt lạ. Ở những người có bán cầu não phải phát triển thường có niềm đam mê mãnh liệt cộng với sự ám ảnh và cảm xúc tiêu cực, điều đó thường làm cho người ta thích nổi tiếng, đặc biệt muốn được người khác chú ý.
Do đó, không loại trừ khả năng có thể cháu bé thích nổi tiếng và gây sự chú ý nên cháu đã tự đốt.
Các hình ảnh và nghiên cứu đám cháy do cháu Th. gây ra cho thấy, ngọn lửa chỉ gây cháy bên ngoài, không làm ảnh hưởng gì đến bên trong đồ vật, các vật cháy đều ở trong tầm tay, các đám cháy đều do bé tự phát hiện... nên không ngoại trừ bé dùng hộp quẹt gas Trung Quốc (khi bật phụt ngọn lửa rất mạnh) gây nên các đám cháy này.
"Ông già ô-zôn" lý giải chuyện cô bé làm đồ vật cháy
Về trường hợp cô bé làm đồ vật tự cháy tại TP. HCM đang gây xôn xao, TS. Nguyễn Văn Khải (còn được gọi là "ông già ô-zôn") cho biết: do chưa nhìn thấy cô bé, chưa ở hiện trường và ở cùng cô bé vài ngày nên chưa thể có nhận xét chính xác được.
Nhưng ông khẳng định “Xét về các hiện tượng đã xảy ra thì nó thuộc hiện tượng Lý – Hóa cho nên phải tuân theo các định luật vật lý và hóa học. Tôi khẳng định nội năng của cơ thể cô bé không đủ để làm cháy dù là một que diêm trước mặt hay ngồi lên, trong điều kiện nhiệt độ phòng và không chịu tác dụng của các hóa chất khác”.
Lý giải về năng lượng phát ra từ cơ thể người, TS. Khải phân tích: Trước hết ta thấy trong cơ thể con người, máu luôn lưu thông, các Ion trong máu tạo ra dòng điện, dòng điện đó tạo ra từ trường. Mà con người cử động nên tạo ra điện từ trường. Điện từ trường này có năng lượng vô cùng nhỏ không thể làm cháy được quần áo hoặc các công tắc điện bằng nhựa cũng như ghế ô tô khi ngồi lên.
Xét về mặt vật lý, nhiệt bao giờ cũng truyền từ chỗ cao tới chỗ thấp và phải có vật truyền nhiệt và vật hấp thu nhiệt. Quần áo, công tắc, vỏ nhựa không thể cháy được nếu năng lượng được truyền từ người qua không khí tới chúng.
Năng lượng cũng có thể được truyền bằng bức xạ, nhưng mắt cô bé cũng không thể tạo ra được các tia bức xạ đủ để các đồ vật xung quanh bốc cháy.
“Hơn nữa nếu như cô bé ngồi trên ghế mà ghế cháy thì đầu tiên phải cháy quần áo cô bé. Muốn cháy được thì mông và đùi cô bé cực kỳ nóng”, TS. Khải lập luận.
Ông cũng cho biết: “Cả cuộc đời tôi, các công trình khoa học của tôi ở Học viện quân sự Vác-sa-va (Ba Lan) là chế tạo các đầu đo hồng ngoại. Tôi chưa bao giờ đo được cơ thể người 43 độ C để phát ra bức xạ hoặc cung cấp nhiệt làm cháy ghế mà không cháy quần áo”.
“Và với năng lượng cơ thể con người lại càng không thể tạo ra hiện tượng ngồi tầng trệt nhưng cháy ở lầu hai như tôi được nghe kể. Nếu lầu hai cháy thì ở tầng trệt phải cháy trước. Vì khi có tia phóng xạ phát ra thì vật ở gần bao giờ cũng bị phá hủy, tác dụng trước. Sau đó, các vật ở xa mới bị tác dụng tiếp theo”.
"Tôi cho rằng nội năng của cơ thể cô bé không thể đủ để bốc cháy vật nào xung quanh nếu không có tác động khác. Và, theo định luật bảo toàn năng lượng thì không thể có hiện tượng này xảy ra”, TS. Khải nhấn mạnh.
Do luồng năng lượng trong cơ thể
Bé gái gây cháy là do luồng năng lượng trong cơ thể. Đó là nhận định bước đầu của các nhà ngoại cảm về hiện tượng đồ vật phát cháy trong nhà bé Thùy, đưa ra tại buổi hội thảo khoa học hôm 19/5, tại TPHCM.
Đại diện nhóm khoa học, ông Nguyễn Phúc Giác Hải cho biết, kết quả bước đầu của các nhà ngoại cảm đưa ra là trong người bé Thùy có một luồng năng lượng không ổn định. Khi nguồn năng lượng này lên cao thì chính là lúc em "phát hỏa".
Ý kiến bạn đọc