(VnMedia) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ra bản báo cáo "Chứng mất trí nhớ: Một ưu tiên sức khỏe cộng đồng".
Theo báo cáo trên, thế giới hiện có khoảng 35,6 triệu người mắc chứng mất trí nhớ. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi (65,7 triệu người) vào năm 2030 và tăng hơn gấp 3 lần (115,4 triệu người) vào năm 2050.
Chứng mất trí nhớ ảnh hưởng đến người dân ở tất cả các quốc gia, trong đó 58% số dân sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Dự báo con số này sẽ tăng lên trên 70% vào năm 2050.
Trong khi, số người mắc chứng mất trí nhớ trên thế giới đang có xu hướng ngày càng tăng nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hiện chỉ có 8 quốc gia trên thế giới có các chương trình quốc gia giải quyết căn bệnh mất trí nhớ.
Việc thiếu thông tin và thiếu hiểu biết cơ bản về chứng mất trí nhớ dẫn đến việc bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ và những người chăm sóc họ không nhận thức được tính nguy hiểm của căn bệnh này, đồng thời làm hạn chế quá trình chẩn đoán bệnh, hạn chế khả năng hỗ trợ về y tế và xã hội.
Việc thiếu chẩn đoán về bệnh mất trí nhớ đang là một trong những vấn đề lớn, ngay ở các nước có thu nhập cao cũng chỉ có từ 20 - 50% số trường hợp mất trí nhớ được phát hiện. Khi được phát hiện muộn, bệnh thường ở giai đoạn cuối.
Mất trí nhớ là một hội chứng gây ra bởi những căn bệnh liên quan đến bộ não, thường là bệnh kinh niên, làm ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và khả năng điều khiển các hoạt động thường ngày. Bệnh Alzheimer là nguyên nhân chính dẫn đến chứng mất trí nhớ và có thể chiếm 70% các trường hợp mắc bệnh.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc