(VnMedia) - Theo tin từ Phòng quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, trong hạt cà phê đã có cafein, nhưng nhiều cơ sở cho thêm cafein hóa chất để đánh lừa người tiêu dùng. Được biết, cafein hóa chất cũng gây nôn nao, tỉnh táo...
Chất tạo bọt mà một số cơ sở tẩm vào cà phê có thể là chất sodium lauryl sunfate. Đây là một hóa chất chuyên dùng trong sản xuất xà phòng với liều lượng vừa phải và chất này không được dùng trong thực phẩm. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, đây là chất độc không được ăn, uống, hút; nếu dùng có thể gây tổn hại đường ruột, gan…
Các loại xà phòng gội đầu có sodium lauryl sunfate dễ gây xơ tóc, tổn hại mắt, làm tóc rụng. Bên cạnh đó, việc dùng chất này trực tiếp vào cơ thể kết hợp một số hóa chất khác thì về lâu dài, gây tổn hại sức khỏe và có thể gây ung thư.
Theo nguyên tắc chế biến biến thực phẩm, thức uống thì tất cả các chất phụ gia cho vào như tạo màu, tạo bọt, tạo thơm… phải được sự cho phép của Bộ y tế. Chất nào không được phép thì tuyệt đối không được cho vào. Tất cả sản phẩm đều phải công bố hàm lượng, tiêu chuẩn sản phẩm trên nhãn mác, bao bì.
Theo khuyến cáo, chất cafein không được phép cho vào thực phẩm bừa bãi mà phải đạt một số chỉ tiêu về hàm lượng tinh khiết, hàm lượng kim loại nặng, arsen... Tuy chưa có trường hợp nào ngộ độc cấp tính do cà phê nhưng người tiêu dùng nên cẩn trọng với những loại cà phê trôi nổi. Việc tích tụ hóa chất trong cơ thể lâu ngày sẽ gây ra nhiều bệnh mãn tính.
Cafein hóa chất gây nôn nao, tỉnh táo...để đánh lừa người tiêu dùng |
Chất phụ gia và chất độn trong ly cà phê
Theo nguyên tắc, để có hạt cà phê thơm ngon, người ta phải rang cà phê ở 180-240 độ C cho nước bốc hơi và hạt hấp thu được các chất tẩm ướp như rượu, bơ. Một số nơi tẩm lớp đường bên ngoài (10% trọng lượng là đường), khi uống khỏi cần thêm đường, có người gọi là cà phê chè.
Một số nơi tẩm thêm nước mắm để tạo vị mặn đậm đà (gu ở các tỉnh miền Trung Việt Nam) hoặc vị chua (như các loại cà phê của châu Âu) hay nước cau (theo gu Đài Loan). Hiện nay, nhiều người nghi ngờ rằng cà phê còn được tẩm chất gây nghiện để thu hút khách hàng. Cà phê rang nếu không tẩm gì thì khi pha uống không có mùi vị thơm ngon, khó mà dùng được.
Chất độn có thể là các loại hạt khác, được rang cùng một kiểu để pha lẫn với cà phê, nhằm tạo ra những hương vị khác nhau, nhưng chủ yếu là để tăng lợi nhuận. Ngoài ra, có một loại phụ gia nữa gọi là “mẻ”. Đó là những mảnh vụn vỏ hạt cà phê, hầu như không có cafein. Để cho ly cà phê thơm béo, ngoài bơ, người ta còn độn thêm đậu nành rang.
Ngoài ra, người ta còn sử dụng tinh cà phê để tạo mùi. Đây là những hóa chất tạo mùi tổng hợp, chỉ cần một chấm bằng đầu tăm sẽ làm 1 kg cà phê thơm lừng dù đứng cách xa vài mét. Việc tẩm tinh dầu là một nghệ thuật, vì nếu không khéo sẽ làm cho cà phê có vị đắng và mau hư.
Đặc biệt, một loại phụ gia khác là hóa chất tạo bọt. Nếu có chất này, chỉ cần khuấy vài lần là bọt cà phê nổi đầy, rất hấp dẫn.
Chất cafeine trong cà phê có tác dụng kích thích thần kinh làm cho bạn tỉnh táo, sáng suốt, sảng khoái và hưng phấn... Chất này cũng được dùng điều trị cho những bệnh nhân suy nhược, chậm nhịp tim, tinh thần không minh mẫn.
Nhưng nếu dùng quá nhiều và lâu dài, cafein sẽ gây nhiều tác dụng phụ như hồi hộp, đổ mồ hôi, co rút, mất ngủ... Nguy cơ ung thư bàng quang trên người nghiện cà phê cũng đã được chứng minh (người dùng 4 tách nhỏ cà phê một ngày sẽ có nguy cơ cao hơn 2,6 lần so với người không dùng).
Thực tế hiện này, trong ly cà phê không chỉ có cafein mà còn chứa hàng loạt chất không mong muốn khác như chất độn, hóa chất độc hại.
Các nhà y học khuyến cáo, bệnh nhân tim mạch, gút, gan, phụ nữ có thai... không nên dùng cà phê. Nếu cần uống để thức khuya làm việc thì bạn nên dùng ít và dùng trong khoảng thời gian ngắn.
Ý kiến bạn đọc