Giận mà ...thương em, cô sơn nữ mát-xa dưới ánh đèn dầu

20:20, 02/04/2012
|

Tắt điện và thắp đèn dầu để mátxa không phải tiết kiệm mà để phục vụ khách được chu đáo hơn.

Trong ánh sáng leo lét của chiếc đèn dầu, tôi thoáng nhận ra cô gái còn rất trẻ. Những ngón tay vẫn thoăn thoắt trong khi đôi mắt dường như mệt mỏi vì trắng đêm không ngủ. Phố núi về khuya không gian vắng hoe hoắt, sương xuống lạnh lẽo. Tiếng cười nói của mấy cô gái phía dưới cứ nhỏ dần, nhỏ dần và lặng đi trong màn đêm yên tĩnh.

Xóm núi buồn đẩy đưa sơn nữ

Không đa dạng và ồn ào bằng những điểm vui chơi ở phố lớn. Tại các tỉnh lẻ, nhất là tỉnh miền núi, cứ 10 giờ đêm ngoài đường đã vắng người chỉ còn sót lại những cô cậu choai choai lái xe vít ga như những kẻ cướp đêm. Người quen với cảnh nhộn nhịp, sôi động mà về đây thì không khác gì bị giam lỏng. Đoán được điều đó nên anh bạn tôi trấn an trước: “Khách Hà Nội cứ chơi thả phanh đi, anh em đã thiết kế đâu vào đấy hết rồi”.

Tiệc rượu say sưa, cả nhóm thợ sơn và chủ thầu kéo nhau đi hò hát. Căn phòng karaoke nhỏ hẹp, tiếng nhạc như xé toạc cả màng nhĩ khiến tôi bịt tai xin lui trước. Anh bạn là chủ thầu xây dựng thấy vậy cũng bước vội theo sau, anh ta cười bảo:“Anh em ở đây chỉ có trò vui này thôi, cứ để họ hát tôi và ông lên trên kia mátxa thư giãn đã”. Nói rồi, anh ta lấy xe đưa tôi đến một con ngõ nhỏ đèn điện tối lờ mờ, chỉ thấy mấy tiệm mátxa liền kề nhau nằm giữa phố núi của Điện Biên.

Chúng tôi vào một tiệm mà anh bạn tôi nói là chỗ quen biết và có nhiều em gái đẹp. Ngôi nhà 2 tầng, 6 phòng với biển hiệu T.T. Ông chủ tiệm trông có vẻ “đầu gấu” với cái đầu chọc lốc, hai bên mai để thừa mấy sợi tóc lưa thưa nhưng ăn nói khá nhã nhặn và lịch sự: - Làm phiền hai anh ngồi uống nước và chờ ít phút nữa, mấy hôm nay đông khách nên các anh thông cảm. Có mấy em mới làm được lắm, để em thiết kế cho các anh.

Chúng tôi ngồi chờ chưa cạn chén trà thì nhận được lời mời lên tầng hai. Các căn phòng nhỏ có cánh cửa mỏng mảnh bằng tấm nhựa màu trắng, bên trong che thêm một tấm vải dày kéo ra, kéo vào soàn soạt. Cô nhân viên đứng chờ sẵn, mặc chiếc quần jean, áo hai dây không thể ngắn hơn, hai tay đan vào nhau nhoẻn miệng cười nhẹ giọng: “Dạ, em mời anh”. Lưng vừa đặt xuống giường đúng lúc ấy thì ánh đèn vụt tắt.

Cái điều đặc biệt nhất khác xa với Hà Nội đông đúc là mátxa trong ánh đèn dầu. Tôi thắc mắc: "Sao lại tắt điện đi? Tiết kiệm à?". Cô nhân viên trả lời khiến khách cũng có ý vừa lòng: "Không phải tiết kiệm đâu ạ vì khách nào cũng thích cái không gian thế này. Em nghĩ anh cũng muốn thế".

Trong cái không gian mờ ảo ấy, cô gái giới thiệu tên là Hường, dân tộc Thái, quê ở Sơn La, một sinh viên học Cao đẳng ngành du lịch mới ra trường chưa lâu.

Hường kể, quê em là vùng núi xa xôi giáp con sông Mã, bản em nghèo lắm quanh năm chỉ làm rừng, làm nương với ngô và sắn. Học 3 năm trời ở Hà Nội, tốt nghiệp về quê không xin được việc, cha mẹ giục lấy chồng, em chán, nhiều hôm chỉ ngồi khóc một mình trên nương. Sáng phạt lá cây, chiều thả trâu tất cả đều trái với những gì mà thời còn sinh viên em tưởng tượng.

Cũng chạy đôn, chạy đáo xin việc khắp nơi mà không nơi nào nhận khiến em càng thấy nản. Bạn bè cùng lứa đã chồng con hết, bố mẹ em cứ vin vào cớ ấy mà buộc em lấy chồng. Thế rồi, có người bạn học cùng thời phổ thông rủ em đi Điện Biên, lúc đó em chỉ nghĩ đi bất cứ đâu miễn là không ở vùng quê nghèo này nữa. Em sửa soạn quần áo trốn theo bạn. Đến nay, em đã xa nhà được 8 tháng, tết vừa rồi mấy chị em cũng không về quê, nếu về có lẽ em không đi được nữa.

Hường như người mất hồn khi kể đến đây, tôi cảm thấy đôi bàn tay em mệt mỏi và rời rạc. Trong ánh đèn, cô gái mátxa trông càng xinh đẹp, đôi mắt long lanh buồn làm những ngón tay như thêm nặng.

Những trò trá hình bệnh hoạn

Phố núi không còn tiếng còi xe mà là những tiếng côn trùng kêu rả rích. Hường dừng lại và nói với tôi rằng 30 phút đồng hồ đã xong. Tôi thấy hụt hẫng bởi sao lại nhanh quá thế. Hường hỏi: “Anh có muốn em làm thêm gì nữa không?. Tôi hình dung ra cái gì đó đành giả bộ:

- Làm gì em nhỉ?
- Bất kể điều gì nếu anh yêu cầu - Hường khẳng định.
- Rồi, nhưng ở Hà Nội…
Không cho tôi nói hết câu, Hường cắt ngang:
- Hà Nội có gì thì bọn em có cái đấy.
- Tức là mátxa đến Z à?
- Anh cứ đùa, làm gì có mátxa đến Z.
- Anh muốn tẹt ga thì em chiều, không thì thôi.

Từ cuộc mátxa đơn thuần chuyển sang hành lạc gối chăn với giá 130 ngàn đồng tôi nghe mà ớn lạnh. Một cô gái với đôi bàn tay mềm mại, giọng nói ngọt như mía lùi, Hường bỗng biến thành cái máy quay cuồng trong cuộc bán mua dục vọng bệnh hoạn của nghề mátxa trá hình phố núi.

Hường bảo, tìm đến đây đều là khách bình dân thôi có ngày đông khách nhưng có ngày thì vắng hắt hiu, buồn muốn chết. Những ngày đầu học việc, phải ngồi trực bên cạnh để xem người làm mẫu, sau khi có kinh nghiệm thì mới dám nhận làm cho khách. Run rẩy, ngượng ngùng là cảm giác ban đầu mà cô sơn nữ mới làm mátxa như em từng phải trải qua.

Hường thú thật rằng ở cái nơi khỉ ho, cò gáy như thế này làm nghề lành mạnh thì có mà ăn cháo. Được các chị đi trước bày cách dụ khách, làm cho khách sung sướng, thoả mãn dục vọng để có tiền, đổi lại mình cũng không mất cái gì bằng vốn tự có. Lúc đầu là dùng tay, sau khách yêu cầu kích thích bằng miệng sẽ có thêm tiền và cuối cùng là vân vân những trò tiêu khiển khác. Hường bảo: "Lúc đầu em thấy buồn nôn và không ăn nổi một miếng cơm vì cứ nghĩ đến là thấy… kinh tởm. Giờ thì nó rất bình thường".

Mặc dù thấy ghê tởm, xấu hổ với việc mình làm nhưng chẳng ai nói với ai. Vài lần thì thành quen, quen rồi thì thấy bình thường và cứ để cho nó tự nhiên. Thậm chí, cuối tháng thấy người khác lĩnh nhiều tiền hơn cũng ghen tị, tháng sau bằng mọi giá phải kéo vài ông khách "dìu nhau đến sung sướng" để bằng chị, bằng em. Gặp khách “sộp” chỉ cần nũng nịu và õng ẹo một chút là có tiền boa, để mặc cho họ thoả sức “đập phá” trên cái thân thể nhàu nhĩ, rách nát. Đôi khi cũng thấy thú vị với những lời mời chào, năn nỉ của những kẻ đi ăn đêm dù chỉ là lời suồng sã và giả tạo.

Hường cho rằng, làm việc đó không khó bởi thường thì khách có nhu cầu trước nên có người chưa vào đã đòi hỏi rồi. Khách đến đa dạng nhiều lứa tuổi, ngại nhất là phải phục vụ mấy đứa trẻ khoác áo học sinh và ông già lụ khụ nhiễm thói hư. Từ chối thì mất khách lại còn bị mắng là làm không chu đáo, không tận tình. Còn thân gái mátxa như Hường, có trình độ đấy, có nhận thức đấy nhưng trước sự cám dỗ, trước những “vũ điệu” đa sắc của đồng tiền vẫn khó lòng cưỡng lại.

“Em cũng suy nghĩ, cũng thấy dằn vặt với cái việc mình đang làm, muốn nghỉ nhưng lại không biết đi đâu. Nói dại nếu ai đó ở quê biết em làm nghề mátxa có lẽ sau này em cũng hết đường về” - Hường thổ lộ.

Tôi hỏi: Em không định làm mãi cái nghề này đấy chứ? Học du lịch ra kia mà. Hường quyết tâm: “Em chỉ làm vài tháng nữa thôi, có tiền em sẽ đi tìm việc. Nhưng chắc chắn em không về quê đâu, em sẽ xuống Hà Nội hay một nơi nào đó xa hơn để thực hiện ước mơ của em”.

Tôi lại nghĩ về Nguyễn Bính đã viết: "Từ bỏ vườn cam, bỏ mái gianh/ Tôi đi dan díu với kinh thành". Cái thành phố nhỏ này đã khiến cô đi lạc lối vậy còn ở những nơi phồn hoa đô hội nào đó xa hơn, rộng hơn thì những cô gái đã từng nhuốm chàm bằng cái nghề mátxa trá hình ấy có trở về đường ngay thẳng?

Ngọn lửa đèn dầu bập bùng như chợt tắt, ngoài đường phố ánh trăng non chiếu xuống nhạt nhoà. Ra về, trong tôi bỗng dưng có một khoảng trống khó lấp đầy!  


(Theo Công Lý)

Ý kiến bạn đọc