Người đứng đầu Ủy ban kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Đông, ông Li Xinghao, đã làm khuấy động dư luận khi cho biết đã đề nghị chính quyền trung ương nới lỏng chính sách một con của Trung Quốc.
Hiện tại, chính sách của Trung Quốc là mỗi gia đình chỉ có một con. Ông Li đề nghị các cặp vợ chồng Trung Quốc nên được phép có con thứ hai nếu đứa con đầu lòng bị tàn tật hoặc là con gái (áp dụng ở khu vực nông thôn).
Đề nghị thứ hai của ông Li gây ra tranh cãi và khiến một bộ phận dân phẫn nộ, đó là các cặp vợ chồng nghèo được phép bán quyền sinh đứa con thứ hai cho những người giàu muốn sinh thêm con với lý do là giúp nâng cao chất lượng dân số và giảm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Rất nhiều lời bình trên các trang mạng xã hội mấy ngày qua có ý rằng “mua bán hạn ngạch sinh đứa con thứ hai, lấy tiền nhà giàu đổi lấy sự ra đời của một đứa trẻ nhà nghèo là tàn bạo và vô lý, chẳng khác nào mua bán nội tạng con người”.
Sinh con thứ hai, thứ ba hay sử dụng dịch vụ đẻ mướn ở bên ngoài đại lục như Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc gần như trở thành một dấu hiệu thể hiện sự giàu có của những gia đình giàu trong nhiều năm nay. Họ chấp nhận nộp phạt cho chính phủ để sinh bao nhiêu đứa con theo ý muốn.
Chính sách một con của Trung Quốc ra đời ba thập kỷ trước nhằm ngăn chặn sự bùng nổ dân số của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Hệ lụy hiện nay là dân số lão hóa nhanh chóng và sự chênh lệch tỉ lệ giới tính cao. Tạp chí Time từng đưa ra ước tính rằng ở Trung Quốc, năm 2007, cứ sáu người trưởng thành làm việc thì có một người về hưu, và đến năm 2040, tỉ lệ này là 2-1.
Trung Quốc có thể sẽ nới lỏng chính sách một con, nhưng chuyện đưa “hạn ngạch sinh con” ra làm hàng hóa mua bán rõ ràng là vấn đề còn nhiều tranh cãi về mặt đạo đức.
Ý kiến bạn đọc