Những bật mí sau đây của Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Thúy Tươi sẽ làm chấn động cả hai phe. Không tin ư?
Nước mắt từ đâu ra?
Khóe mắt của các bạn có hai “nhà máy nước mini”, chúng nhỏ chỉ bằng hạt gạo, vậy mà sản xuất nước mắt với tốc độ phi thường. Chúng lọc từ máu ra nước đấy. Khi bạn chớp mắt, nước từ hai “nhà máy” phun một lớp nước mỏng tráng giác mạc nên mắt không bị khô.
Sau khi đã làm ướt giác mạc chúng được bốc hơi một phần, phần còn lại được đưa vào một cái ống gọi là “lệ tị” làm ẩm ống này. Thế mà bị bạn chọc hoặc mẹ la tự nhiên hai “nhà máy” như gặp lệnh xả, nó xối trên má, chảy theo ống lệ tị xuống mũi làm mắt mũi mình tèm lem. Ngoài ra, khi bạn bị stress cơ thể tiết nhiều adrenaline làm tuyến lệ tăng lọc máu ra nước mắt.
Vậy thành phần của nước mắt có gì?
Bạn nuốt nước mắt thấy mặn bởi muối có sẵn trong máu được đi ra theo nước. Một số người quá đau khổ trong nước mắt chứa nhiều protein. Đây là hiện tượng khi bị kiềm chế quá mức, cơ thể sản sinh ra loại protein đặc biệt này. Khóc là nhằm đào thải protein đó ra khỏi cơ thể.
Nước mắt có màu gì?
Bạn nào chả đồng ý là nước là chất không màu. Vậy mà bây giờ hỏi: nước mắt màu gì e là phải dùng hình tượng...
Màu của hạnh phúc: Khi bạn cất tiếng khóc chào đời, mắt của mẹ bạn trào ra những giọt nước mắt. Khi bạn gặp người thân sau bao năm xa cách, mắt bạn sáng lên nhưng khóe mắt lại trào ra hai giọt nước sung sướng. Lúc này nước mắt không chỉ mang màu của hạnh phúc mà còn có vị ngọt của tình yêu nồng ấm.
Màu của dỗi hờn, ấm ức, buồn tủi: Chơi với bạn có lúc cũng hiểu lầm, hờn giận nhau rồi khóc. Nhiều khi chỉ vì một câu nói vô tình của nhỏ bạn cũng làm cho mình thấy chua cay, đau đớn. Lúc này màu của nước mắt xậm lại, chứa vị đắng.
Màu của cảm thông và chia sẻ: Khi đồng cảm với một hoàn cảnh cơ nhỡ, xót xa với một bệnh nhân chẳng may bị ung thư, khi tới thăm trại trẻ mồ côi bạn sẽ thấy mắt mình cay cay như bị dính ớt hiểm.
Màu của sự nhớ nhung chờ đợi: Bạn đang chờ hoàng tử cưỡi con ngựa trắng đến, bỗng chuông điện thoại vang lên khúc nhạc mà chàng cài đặt sẵn, nước mắt bạn ứa ra mang hương vị buồn và vui lẫn lộn.
Tại sao con gái dễ “nhè” hơn con trai?
Con gái dễ xúc động hơn con trai nên các cơ ở tuyến lệ cũng đồng cảm với cô chủ. Khi bạn buồn tự nhiên hai cái vòi nước cứ thế chảy. Con trai che giấu cảm xúc, kìm nén tốt nên hai cái vòi nước ở hai khóe mắt ít tự do hoạt động hơn.
Nói vậy không có nghĩa là con trai không tình cảm. Chúng là những động vật đa cảm xúc nhưng “nuốt nước mắt vào trong” nên “hai nhà máy” không được cài đặt chế độ tự động hóa. Tuy nhiên cũng có những bạn gái kiềm chế cảm xúc được nên không “mau nước mắt” như những bạn khác.
Khóc có lợi hay có hại?
Thật ra khóc là một động tác có lợi. Con gái bị tụi con trai châm chọc, chảy nước mắt ra làm tụi con trai sợ hãi, ân hận. Nhiều bạn thấy khóc xong “cục tức” trong người vơi đi.
Thật ra, khóc là một động tác rửa giác mạc, khiến hai vật thể như được phun nước rửa tới rửa lui. Nhưng cái gì thái quá cũng không tốt. Tuy vậy nếu có chuyện gì cần khóc vẫn nên cấp phép cho “hai nhà máy nước mắt” để chúng tuôn chảy, đừng ép chúng phải gồng mình lên chống đỡ.
Con trai khóc thì có phải là người mềm yếu?
Ngay từ khi bạn là một đứa bé trai mới 2 - 3 tuổi, đã được nghe lời “răn dạy” từ người lớn: “Không được khóc, là con trai không được khóc, xấu lắm!”. Từ những quan niệm xã hội dẫn tới sự giáo dục về bản năng “kiềm chế khóc” tự nhiên khiến cho phe mày râu hầu hết đều có quan niệm, “khóc là điều không nên!”.
Thực ra, chẳng có chuyện “nên hay không nên khóc”, chỉ có chuyện “đàn ông, khi nào nên khóc, khi nào không nên” mà thôi!
Có cách nào kiềm chế nước mắt không?
Nếu sắp sửa khóc hãy nghĩ đến một tình huống hài hước hoặc đi uống nước. Tiếp đến là hít một hơi thật sâu, thở ra chậm và nhắm mặt lại.
Bạn sẽ thấy dễ chịu hơn và hai “nhà máy nước” định mở van nay đóng lại. Rèn luyện được như vậy chính là bạn khẳng định bản thân rằng mình đang trở thành người lớn thực sự rồi.
(Theo Mực Tím)
Ý kiến bạn đọc