Việc sử dụng gạo xay sát trắng thay cho gạo giã (vẫn còn vỏ cám) làm tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường của người châu Á trong thời gian gần đây.
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo khoa học “Cập nhật thông tin về phòng chống ĐTĐ tại Việt Nam”, vừa tổ chức tại trường ĐH Y Hà Nội. Kết quả này được đưa ra từ “Nghiên cứu về chế độ ăn gạo của người châu Á với bệnh ĐTĐ tuýp 2” do GS Yamamoto - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng châu Á, Đại Học Jumonj, Nhật Bản trình bày.
Nghiên cứu được thực hiện tại Châu Á và Việt Nam đã tổng kết về ảnh hưởng của chế độ ăn và lối sống của người Châu Á với bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) tuýp 2, như việc sử dụng gạo xay sát trắng thay cho gạo giã (vẫn còn vỏ cám) làm tăng nguy cơ bệnh ĐTĐ của người Châu Á trong thời gian gần đây.
GS.Yamamoto khuyến cáo: tập quán ăn uống của người châu Á có nhiều điểm tốt, có lợi cho sức khỏe, nhưng cũng có một số điểm cần điều chỉnh. Việc điều chỉnh này cần được cân nhắc để người châu Á vừa có sức khỏe tốt và vẫn giữ được tập quán truyền thống ăn uống của mình. Ông cũng nói rằng gần đây, nước Mỹ đã đưa ra khuyến cáo người dân Mỹ tăng cường sử dụng ngũ cốc nguyên hạt trong bữa ăn hàng ngày để phòng chống bệnh ĐTĐ và bệnh mạn tính không lây.
Cũng tại hội thảo này, các chuyên gia đến từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh ĐTĐ ở Việt Nam ngày càng gia tăng, và việc gia tăng số người mắc, trẻ hóa đối tượng mắc bệnh cũng như mức độ tăng nặng của các biến chứng làm gia tăng chi phí điều trị. Hiện Việt Nam có khoảng 1,4 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, đó là chưa tính đến những người tiền ĐTĐ.
Ý kiến bạn đọc