(VnMedia) - Năm 2011 đã có 8,4 triệu người mắc lao và 1,4 triệu người tử vong do lao, làm cho căn bệnh này trở thành nguyên nhân gây tử vong do bệnh truyền nhiễm lớn thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên trong các chương trình nghị sự về phát triển và y tế toàn cầu, bệnh lao vẫn ít được quan tâm.
Đó là một trong những nội dung được Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nêu ra trong bức thư gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngày 7/3/2012.
Theo đánh giá của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc tiếp cận bệnh nhân lao thể truyền nhiễm, đảm bảo tỷ lệ điều trị khỏi cao và thúc đẩy việc tiếp cận phổ cập đến các dịch vụ dự phòng và chăm sóc lồng ghép lao và HIV. Với những nỗ lực của Việt Nam, mục tiêu ngăn chặn bệnh lao theo lộ trình đã đặt ra có thể thực hiện được. Tuy nhiên, để đạt đến được mục tiêu này, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. 80% gánh nặng bệnh lao toàn cầu tập trung ở 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất, và Việt Nam là một trong số đó.
Nhân Ngày Thế giới Phòng chống Lao, ngày 24 tháng 3 hàng năm, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc kêu gọi chúng ta nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc đối phó với căn bệnh này. Đây là một cơ hội tuyệt vời để thể hiện sự ủng hộ của cá nhân mình đối với công cuộc ngăn chặn bệnh lao. Tổ chức Y tế Thế giới và Liên minh Phòng chống Lao Toàn cầu cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong mọi nỗ lực của mình.
Làm sao để đến năm 2015, khi nhìn lại những thành quả đã đạt được trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã góp phần vào việc thúc đẩy thanh toán bệnh lao.
Tiềm ẩn đại dịch lao
Theo TS Mario Raviglione, GĐ Ban Loại trừ lao phổi (WHO), cho biết, tỉ lệ tử vong hiện đã giảm 40% so với năm 1990 nhưng nguy cơ đại dịch mới đang hiện hữu khi rất nhiều trẻ có nguy cơ nhiễm lao đang bị “lãng quên” ở hầu hết các nước.
Mỗi ngày có 200 trẻ em chết vì bệnh lao. Chi phí tiền thuốc dự phòng chỉ khoảng 600 đồng/ngày và khoảng 10.000 đồng/ngày cho việc điều trị. Tuy nhiên, trước khi làm được điều này thì phải tìm ra những trẻ có nguy cơ mắc lao. Và điều này chỉ có thể thực hiện được nếu chính phủ, các tổ chức xã hội và tư nhân cùng hợp tác.
Bệnh lao ảnh hưởng chủ yếu đến phổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các bộ phận khác của cơ thể. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường chịu những tác động nặng nề do mắc các bệnh như viêm màng não lao (gây mù, điếc, liệt hay tâm thần), mắc lao đa kháng thuốc (đòi hòi điều trị kéo dài, tốn kém với các tác dụng phụ do thuốc rất nặng) và cũng rất dễ tử vong.
Trẻ dưới 3 tuổi và những người bị suy dinh dưỡng hay suy giảm hệ miễn dịch là những đối tượng dễ mắc lao nhất.
Thuốc chủng ngừa duy nhất hiện đang có sẵn cho bệnh lao là vi khuẩn Bacillus Calmette-Guérin (BCG), trong đó cung cấp bảo vệ hạn chế chống lại các hình thức nghiêm trọng của bệnh lao, chẳng hạn như viêm màng não lao, ở trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, BCG không tạo sự bảo vệ lâu dài chống lại bệnh lao phổi và không an toàn cho sử dụng ở trẻ em sống chung với HIV. Các nhà khoa học đang tích cực tìm kiếm một loại vắc-xin đầy đủ hiệu quả để bảo vệ trẻ em và người lớn chống lại tất cả các hình thức bệnh lao.
Thuỳ Hoa
Ý kiến bạn đọc